Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Tọa đàm “”Xã hội hóa trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn

( Cập nhật lúc: 21/11/2023  )

Chiều 20/11, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Tọa đàm “Xã hội hóa trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn”.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê  Minh Hoan, ĐBQH đại diện của 20 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh khu vực mièn núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên đang tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đại diện một số tổ chức quốc  tế, tổ chức phi Chính phủ, một số doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp và các  đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham dự Tọa đàm có đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn và đồng chí Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn.

Trong buổi Tọa đàm các đại biểu được xem video clip về phát triển rừng và XHH trồng rừng ở Việt Nam; nghe các tham luận về Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; kinh nghiệm huy động XHH về phát triển rừng trên thế giới.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Các diễn giả đã đưa  ra các nhận định, quan điểm liên quan đến công tác xã hội hoá trồng rừng, cũng như những khó khăn, thách thức đối với việc huy  động nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động trồng rừng, kinh doanh rừng, phát huy các giá trị đa dụng của rừng,… và định hướng, giải pháp XHH trồng rừng, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong thời gian tới.

Để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp XHH về phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụngc của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”  trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai thực hiện

Mục tiêu của Đề án là “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu  quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, người dân Miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng”. Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp thực hiện cụ thể: về cơ chế, chính sách; về tổ chức sản xuất; về quản lý rừng và phát triển vùng nguyên liệu; về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực’ về khoa học và công nghệ và về hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng để bảo vệ, phát triển rừng, chúng ta cần có một tư duy mới về rừng, quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với bà con, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để chúng ta phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Có thể nói, công tác xã hội hoá trồng rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh  phát triển rừng là một trong số các giải pháp  hữu hiệu, vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP