Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa IX.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, góp phần nâng cáo hiệu quả hoạt động của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021”, theo đó đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện. Trong thời gian qua, bằng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Bắc Kạn (Văn phòng) đã tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đảm bảo chuẩn bị và phục vụ tốt các kỳ họp của HĐND tỉnh, tham mưu giúp Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát theo đúng chương trình, kế hoạch và hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Giúp Thường trực HĐND điều hoà phối hợp hoạt động với các Ban của HĐND và các nhiệm vụ khác phát sinh đảm bảo duy trì hoạt động của HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác tham mưu được thực hiện liên tục, thường xuyên, hiệu quả. Công tác phục vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động còn nhiều vướng mắc do một Văn phòng nhưng có chức năng, nhiệm vụ, phục vụ với ba chủ thể chỉ đạo, ba cấp trên trực tiếp khác nhau là Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh nên có nhiều bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách, vừa là chủ thể tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật tại địa phương.
Trong khi tại các tỉnh, thành phố không thực hiện thí điểm, cho thấy Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh có những điểm tương đồng, còn Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan chuyên môn (ngang sở), có chức năng, nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của bộ máy hành chính ở địa phương theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn và Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh là phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, vẫn còn một số bất cập như:
- Trong công tác chuẩn bị kỳ họp: Một số chuyên viên chưa chủ động trong công tác thu thập thông tin, chuẩn bị tài liệu phục vụ thẩm tra; xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra còn chậm so với tiến độ đề ra; chất lượng dự thảo báo cáo thẩm tra còn một số nội dung chưa sâu.
- Trong hoạt động giám sát, khảo sát: Văn phòng chưa tham mưu tổ chức khảo sát thực tế thẩm định đối với những nội dung đề xuất giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, các Ban HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Việc thu thập thông tin, cung cấp tài liệu phục vụ giám sát đôi khi chưa đầy đủ, kịp thời; chất lượng một số báo cáo kết quả giám sát chưa cao so với yêu cầu.
- Việc tham mưu tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung chủ yếu vào trước và sau các kỳ họp, chỉ tiếp xúc cử tri ở các đơn vị ứng cử theo sự phân công của tổ đại biểu, hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu là tiếp xúc chung theo các tổ đại biểu. Hoạt động TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực chưa nhiều. Tài liệu chuẩn bị phục vụ TXCT của HĐND tỉnh đôi khi chưa kịp thời, việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc chưa rõ ràng, cụ thể.
- Đối với việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Chưa tham mưu tổ chức giám sát chuyên đề đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài; chưa đề xuất giải pháp hiệu quả đối với việc tiếp công dân tại nơi ứng cử của đại biểu HĐND tỉnh.
Nguyên nhân là do chất lượng đội ngũ chuyên viên chưa được đồng đều; một số chuyên viên phương pháp làm việc chưa khoa học, chưa chủ động, sáng tạo trong công việc; công chức giúp việc phòng chuyên môn phải kiêm nhiệm nhiều phần công việc, trong khi yêu cầu công việc đôi lúc cần xử lý nhanh, gấp nên việc thực hiện nhiệm vụ có lúc còn chậm so với yêu cầu và không đủ thời gian nghiên cứu chuyên sâu nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu, giải quyết công việc. Bên cạnh đó, do yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày một cao, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi chuyên viên cần chuyên sâu, đồng thời phải có khả năng tổng hợp và khái quát cao.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, phục vụ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, Văn phòng xin đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
(1) Quan tâm sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công công chức, người lao động đảm nhiệm các vị trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường công tác của từng cá nhân. Bên cạnh đó, định kỳ thực hiện chuyển đổi công chức đảm nhiệm các vị trí việc làm khác nhau giữa các phòng và trong nội bộ phòng, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức “thạo một việc, biết nhiều việc”, khắc phục tình trạng trì trệ, lối mòn trong công tác tham mưu, giúp việc của cán bộ, công chức.
Ban hành các chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ, công chức tham gia công tác tại Văn phòng (tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm…); quan tâm quy hoạch cán bộ, công chức Văn phòng vào các vị trí cao hơn.
(2) Nâng cao chất lượng công tác tham mưu thẩm tra
- Thường xuyên cập nhật, tích lũy, theo dõi, tổng hợp, hệ thống các thông tin có liên quan đến nội dung thẩm tra... để có cơ sở đối chiếu, nhận định và kiến nghị.
- Sắp xếp thời gian, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các báo cáo, đề án và tờ trình, dự thảo nghị quyết ngay từ khâu dự thảo; xây dựng các mốc thời gian phải hoàn thành đối với phần việc phục vụ thẩm tra; tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp thẩm tra; chủ động tổng hợp các ý kiến trái chiều và những vấn đề chưa thống nhất với cơ quan soạn thảo sau họp thẩm tra để lãnh đạo Ban báo cáo Thường trực HĐND.
- Theo dõi, kiến nghị với Thường trực có giải pháp đối với các cơ quan soạn thảo gửi Tờ trình không đúng quy định; mạnh dạn đề xuất không đưa vào nội dung, chương trình kỳ họp đối với những dự thảo nghị quyết chưa được chuẩn bị kỹ, thiếu cơ sở thực tế hoặc gửi không đúng thời gian theo quy định.
(3) Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát
- Lập biểu theo dõi để tham mưu nội dung giám sát chuyên đề trên cơ sở theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh và các sở, ngành; thông qua ý kiến cử tri, các thông tin và dư luận xã hội…
- Chủ động nghiên cứu, tập hợp tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, nắm bắt thông tin liên quan để xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát. Xây dựng mốc thời gian phải hoàn thành đối với phần việc phục vụ giám sát.
- Cung cấp tài liệu đầy đủ, kịp thời (ghi chú những nội dung cần quan tâm); nghiên cứu báo cáo của các đơn vị, chọn lọc các vấn đề chính, nội dung cần làm rõ gửi các thành viên đoàn giám sát phục vụ giám sát trực tiếp; chủ động xây dựng khung đề cương báo cáo kết quả giám sát trước khi tiến hành giám sát trực tiếp; chủ động tổng hợp các nội dung nổi cộm, các kiến nghị sau buổi giám sát trực tiếp tại cơ sở để phục vụ buổi làm việc với UBND và cơquan chuyên môn.
- Trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả giám sát, chủ động xin ý kiến thành viên đoàn giám sát có chuyên môn. Các kiến nghị giám sát cần cụ thể, chi tiết, chỉ ra được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện.
(4) Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động TXCT
Tăng cường phối hợp, trao đổi, chủ động theo dõi nắm tình hình, tham mưu lựa chọn điểm TXCT phù hợp,nhất là những nơi cử tri có nhiều ý kiến bức xúc để đại biểu lắng nghe được nhiều hơn ý kiến phản ánh; chú trọng tham mưu tổ chức TXCT nơi cư trú, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn đại biểu quan tâm. Việcchuẩn bị tài liệu phục vụ TXCT phải kịp thời, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu từng cuộc TXCT; chủ động theo dõi tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri để tham mưu với Thường trực HĐND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết kịp thời, thấu đáo kiến nghị của cử tri.
(5) Lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công chức trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kế hoạch đã đề ra; tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý, điều hành khoa học như: Tổ chức họp nhóm để lấy ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể; phân công rõ người, rõ việc theo chức năng, nhiệm vụ; theo dõi việc phân công nhiệm vụ một cách hệ thống, thời gian hoàn thành đảm bảo mỗi công việc cụ thể, có mốc thời gian để theo dõi, đôn đốc thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo chuyên trách các Ban để định hướng cho chuyên viên trong hoạt động thẩm tra.
(6) Chuyên viên Văn phòng cần đổi mới phương pháp làm việc; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các phòng chuyên môn của Văn phòng tích cực rèn luyện, nâng cao kỹ năng phân tích, tổng hợp.
(7) Bên cạnh đó, Văn phòng cần được trang bị kịp thời cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ tốt mọi hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh.
(8) Đối với những Văn phòng có xây dựng đề án nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động HĐND tỉnh thì cần tiến hành tổng kết Đề án để rút ra những bài học kinh nghiệm phù hợp với thực tế tại địa phương.
Các Văn phòng trong thời gian tới, cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ, thực hiện tốt việc giữ mối quan hệ công tác với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương./.