Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng giám sát của các Ban HĐND tỉnh

( Cập nhật lúc: 18/05/2021  )

Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân. Giám sát có nhiều hình thức: giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát theo chương trình kế hoạch, giám sát tại các kỳ họp HĐND tỉnh, giám sát qua thẩm tra các Báo cáo, Tờ trình, nghị quyết…Nội dung giám sát cũng rất đa dạng, phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương.Từ thực tiễn thực hiện chức năng hoạt động giám sát trong thời gian một nhiệm kỳ (2011-2016), tôi xin được chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khóa VIII giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia y tế về phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm và HIVAIDS tại Sở Y tế

Về xây dựng kế hoạch giám sát:

Căn cứ vào thực trạng nền kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn; thông qua hoạt động của HĐND giữa 2 kỳ họp, các Ban HĐND phối hợp với Thường trực HĐND rà soát, tổng hợp, xem xét chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những nội dung chất vấn tại các kỳ họp được dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến đông đảo quần chúng nhân dân, những vấn đề được cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa thấu đáo làm cơ sở để xây dựng kế hoạch giám sát từng năm, từng quý và kể cả giám sát chuyên đề.

Xác định mục đích của các cuộc giám sát: Nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan (đối tượng giám sát), đôn đốc giải quyết vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm để bộ máy hoạt động đồng bộ hơn, khẩn trương hơn. Mục tiêu các cuộc giám sát không mang tính chất “bới móc”, “quy chụp” làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng công tác của các tổ chức cơ quan nhà nước, mà phải xác định rõ trách nhiệm của các Ban HĐND là cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý những tồn tại yếu kém, khắc phục những hạn chế trong chỉ đạo quản lý điều hành. Phải thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với các đối tượng được giám sát và tôn trọng những ý kiến của cử tri, coi đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm của các Ban HĐND. Qua các cuộc giám sát góp phần cùng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết HĐND trên địa bàn tỉnh.

Về kiến nghị giám sát và hoạt động giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Các kiến nghị sau các cuộc giám sát của các Ban HĐND phải thật cụ thể, chi tiết, đúng pháp luật, có tính khả thi, đúng phạm vi trách nhiệm của đối tượng phải thực hiện, phải ấn định thời gian thực hiện cụ thể để dễ kiểm tra, đôn đốc giải quyết theo thời gian quy định.

Do nhiều nguyên nhân mà việc thực hiện sau giám sát của các Ban HĐND tỉnh chưa thực hiện kịp thời và chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Do vậy các Ban HĐND phải:

Một là, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tăng cường kiểm tra bằng việc gửi công văn đôn đốc đối với việc thực hiện các kết luận sau giám sát, coi công tác kiểm tra, đôn đốc các kiến nghị sau giám sát là một việc làm thường xuyên và cần thiết.

Hai là,phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan (đối tượng giám sat) thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.

Ba là,tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành và dư luận xã hội, tạo sức ép xã hội lành mạnh đối với các đối tượng phải thực hiện kiến nghị nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương.

Bốn là,phối hợp chặt chẽ giữa các Ban HĐND, MTTQVN và các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Năm là,tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Ban mình trong quá trình giám sát.

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, các Ban HĐND tỉnh đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cho hoạt động giám sát, do vậy kết quả đem lại đáp ứng cơ bản quyền lợi của cử tri và các cháu học sinh. Có vụ việc giải quyết chế độ phức tạp, kéo dài từ nhiệm kỳ trước (khóa VII đến khóa VIII) mới giải quyết được như: Công nhận liệt sĩ Lục Phúc Tuấn ở Yên Nhuận, Chợ Đồn; chế độ cho học sinh Trường Khuyết tật tỉnh Bắc Kạn; học sinh trường bán trú; các chế độ hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều vụ việc khác tạo được niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.Thông qua các kiến nghị sau giám sát, giúp các đơn vị, cơ quan ban ngành có điều kiện xem xét một cách khách quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình, thấy rõ những mặt tích cực cần phát huy, những thiếu sót tồn tại cần khắc phục. Từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp hơn, hiệu quả hơn trong công tác quản lý điều hành.

Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân rút ra từ quá trình hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát là một trong những yếu tố quan trọng làm căn cứ cho HĐND tỉnh  ban hành các Nghị quyết đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn, phát huy tiềm năng thế mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng chính là giải pháp hữu hiệu góp phần thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh./.

Đồng Quang Huân, Nguyên Phó Trưởng phụ trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP