HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ hoạt động với nhiều đổi mới trong các quy định của pháp luật. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ hơn về phân cấp thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của HĐND tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Bên cạnh đó một số Luật như Luật Đầu tư công, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ngân sách nhà nước quy định tăng nhiệm vụ quyền hạn và thẩm quyền của HĐND các cấp. Do vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Đến nay, các giải pháp đang được tiêp tục triển khai có hiệu quả.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh được cử tri trong tỉnh bầu gồm 50 đại biểu; đến nay còn 45 đại biểu. Cơ cấu, thành phần đại biểu cơ bản đảm bảo được tính đại diện cho các ngành, địa phương, dân tộc, giới. Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh đã bầu Chủ tịch HĐND tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm, 02 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách; thành lập 04 Ban: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hoá - Xã hội, Ban Pháp chế, Ban Dân tộc và bầu mỗi Ban có Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm (đến nay Trưởng Ban Pháp chế hoạt động chuyên trách) và 01 Phó Trưởng ban chuyên trách (đến nay đồng chí Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế đã chuyển công tác khác).
Để đảm bảo hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh được thuận lợi trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã thông qua Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Kạn khoá IX. Quy chế đã quy định về nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình và chế độ làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế hoạt động ở địa phương. Quy chế được ban hành đã làm cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của HĐND tỉnh. Đặc biệt, Quy chế quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Tổ đại biểu và quy định cụ thể nhiệm vụ trong hoạt động giám sát, khảo sát (nội dung chưa được quy định cụ thể tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Theo đó, định kỳ vào đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đều có văn bản yêu cầu các Tổ đại biểu gửi đề xuất nội dung khảo sát, giám sát của Tổ đại biểu đến Thường trực HĐND tỉnh để xem xét, quyết định; đồng thời ban hành thông báo chương trình khảo sát, giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh theo quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát theo kế hoạch và 09 cuộc giám sát theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh đối với các vấn đề như: Công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất… Thông qua hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, từng đại biểu trong Tổ đã nắm bắt, thu thập được thêm nhiều thông tin về thực trạng vấn đề bức xúc, về tình hình thực tế của địa phương nơi đại biểu được bầu; từ đó có cơ sở để đại biểu xem xét, tham gia ý kiến thảo luận, tranh luận về nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng thời, giúp các đại biểu lựa chọn, phát biểu trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hoặc đưa vấn đề ra chất vấn tại các kỳ họp thường kỳ.
Nhằm kế thừa và phát huy có hiệu quả những kinh nghiệm của HĐND tỉnh các khóa trước đây trong thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 02/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; Thường trực HĐND tỉnh đã tham mưu Đảng đoàn HĐND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 30/11/2016 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp (Nghị quyết số 14). Trên cơ sở đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 01-QĐ/ĐĐ.HĐND ngày 06/3/2017 về thông qua Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-HĐND ngày 05/6/2017 về thực hiện “Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp” của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau: (1) Đổi mới cách thức tổ chức các kỳ họp. (2) Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND. (3) Nâng cao chất lượng công tác giám sát. (4) Đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. (5) Nâng cao năng lực, trách nhiệm, vai trò của đại biểu HĐND. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 14; theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến thời điểm sơ kết HĐND các cấp cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra. Đa số kỳ họp của HĐND được tổ chức đảm bảo đúng luật định, có chất lượng. Cơ bản các nghị quyết do HĐND ban hành hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn. Trên 90% kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, tổ đại biểu HĐND đảm bảo cụ thể, khả thi, đúng quy định pháp luật. Trên 90% ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ, chính xác, chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trên 95% đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chuyển đến Thường trực, các Ban HĐND được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định của pháp luật. 100% đại biểu HĐND các cấp được tập huấn kỹ năng hoạt động. Các đại biểu HĐND cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định về hệ thống quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm tập hợp các quy định cụ thể quy trình xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, thành phần hồ sơ, thời gian hoàn thiện từng bước trong quy trình. Do vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 138 nghị quyết chuyên đề theo phân cấp thẩm quyền và phù hợp với thực tế của địa phương. Việc xây dựng đề án, tờ trình, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được UBND tỉnh quan tâm thực hiện, chú trọng lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu tác động của nghị quyết, các ngành liên quan. Các Ban HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình đảm bảo thời gian theo kế hoạch; tăng cường khảo sát phục vụ công tác thẩm tra. Đa số các báo cáo thẩm tra có tính phản biện cao, nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra và đề xuất những nội dung cần làm rõ, bổ sung đối với dự thảo nghị quyết. UBND đã chủ động xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ban, làm căn cứ cho đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết.
Để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng giúp việc thành lập tổ theo dõi rà soát các kiến nghị giám sát để giúp Thường trực HĐND tỉnh theo dõi việc giải quyết, xử lý kiến nghị của các cơ quan chịu sự giám sát và đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện. Trên cơ sở những nội dung kiến nghị giám sát được theo dõi, trong quý III năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện kiến nghị, nghị quyết của HĐND qua giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến tháng 9/2019 đối với một số nội dung. Qua giám sát nhận thấy sau khi nhận được Báo cáo, nghị quyết về kết quả giám sát do HĐND, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến, UBND các cấp đã tiếp thu 100% kiến nghị của Đoàn giám sát và chỉ đạo, giao các cơ quan liên quan xem xét giải quyết, trả lời theo quy định. Việc trả lời và giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh được các cơ quan chức năng quan tâm xem xét; đa số các kiến nghị được trả lời, giải quyết và báo cáo HĐND, Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.
Nhờ áp dụng một số giải pháp nêu trên, chất lượng hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên; vị trí, vai trò của HĐND tỉnh được thể hiện rõ nét hơn, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm và kỳ vọng của cử tri./.