Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 về Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Quy chế đã quy định cụ thể một số nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, quy trình và chế độ làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Việc thực hiện Quy chế đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Kết quả cụ thể như sau:
Một phiên họp Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị kỳ họp HĐND theo quy định của Quy chế
Thứ nhất, về thực hiện nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh
Qua gần 5 năm thực hiện, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, HĐND tỉnh đã luôn chủ động, đổi mới hoạt động, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Trong quá trình hoạt động, HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
Hoạt động của Thường trực HĐND đảm bảo nguyên tắc làm việc tập trung, dân chủ, trách nhiệm tập thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động của HĐND, nâng cao vị trí, vai trò và mối quan hệ công tác của Thường trực HĐND. Chủ tịch HĐND, các Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên Thường trực HĐND thực hiện theo đúng Quy chế, hoạt động đảm bảo chủ động, tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Hoạt động của các Ban HĐND tỉnh luôn bám sát các quy định và Quy chế hoạt động của HĐND; tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh. Căn cứ Quy chế hoạt động của HĐND, các Ban HĐND đã xây dựng Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ riêng của từng thành viên Ban. Hằng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình công tác quý, 6 tháng và cả năm của Ban theo quy định.
Thứ hai, việc thực hiện các quy định về tổ chức kỳ họp
Tuân thủ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX, công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND, công tác điều hành của Chủ tọa kỳ họp, hoạt động thảo luận tại kỳ họp và việc họp đánh giá, rút kinh nghiệm về kỳ họp được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa IX đã tổ chức 20 kỳ họp, ban hành 278 nghị quyết. Các Nghị quyết HĐND ban hành đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo luật định. Các nghị quyết đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành các cơ chế, chính sách của địa phương, tạo cơ sở pháp lý để triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trước các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan sớm tổ chức phiên họp để thống nhất chương trình, nội dung kỳ họp. UBND tỉnh phân công, chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình UBND tỉnh thông qua trước khi chuyển các Ban HĐND tỉnh thẩm tra. Công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được quan tâm, đổi mới. Các Ban thẩm tra ngay từ khâu đề nghị xây dựng nghị quyết, chủ động tiến hành khảo sát, nắm tình hình thực tế tại cơ sở trước khi tiến hành thẩm tra. Trong nhiệm kỳ các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra đối với 375 báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo Nghị quyết trình tại các kỳ họp.
Công tác điều hành kỳ họp được Chủ tọa thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, đảm bảo nội dung chương trình đã được thông qua, quá trình điều hành có sự linh hoạt, giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời lượng thảo luận và chất vấn được đông đảo cử tri quan tâm và đánh giá cao. Đồng thời, chú trọng định hướng để các đại biểu thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất cao, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Thường trực HĐND tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm theo quy định tại Quy chế qua đó những tồn tại, hạn chế đã được UBND và các ban, ngành liên quan tiếp thu, khắc phục.
Thứ ba, việc thực hiện các quy định về hoạt động giám sát, khảo sát
Quy chế đã quy định cụ thể hoạt động khảo sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh trong việc thực hiện các văn bản của Trung ương, nghị quyết của HĐND và những vấn đề cử tri quan tâm; hoạt động giám sát, khảo sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND được chuẩn bị chu đáo, có sự đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Quy chế. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 08 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ, chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh và 24 lượt thành viên UBND tỉnh; nội dung chất vấn tập trung những vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm; thời gian chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo Quy chế đã ban hành. Các cơ quan chức năng trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và thực tiễn đời sống ở cơ sở.
Ngoài hoạt động giám sát tại kỳ họp; giữa hai kỳ họp, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh thực hiện giám sát, khảo sát theo quy định. Những nội dung giám sát, khảo sát là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng và trúng vấn đề cử tri quan tâm, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh tổ chức 08 cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 08 cuộc giám sát, các Ban HĐND tỉnh tổ chức 38 cuộc giám sát; Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành 86 cuộc khảo sát.
Theo Quy chế, đây là nhiệm kỳ đầu tiên Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện giám sát, khảo sát tại địa bàn nơi đại biểu ứng cử. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện đúng quy định của Quy chế trong hoạt động giám sát, khảo sát từ khâu lựa chọn nội dung, tổ chức giám sát, khảo sát đến khâu gửi thông báo kết quả giám sát, khảo sát. Theo đó, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức 16 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung như: Công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất…Sau giám sát, các Tổ đều có báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh, chỉ rõ những kết quả đạt được, hạn chế và đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở.
Thứ tư, việc thực hiện các quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân
Căn cứ các quy định của Quy chế về thời gian tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh; hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện thường xuyên, có nền nếp. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh tổ chức 24 cuộc tiếp xúc cử tri, ban hành 36 văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, đa số các ý kiến kiến nghị đã được xem xét, giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết phần lớn là do khó khăn trong bố trí nguồn vốn đầu tư; chưa có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 03 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương nơi đại biểu ứng cử được duy trì, thực hiện theo quy định của Quy chế. Theo đó, đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân cùng ngày với Chủ tịch UBND cấp huyện. Công tác phối hợp tiếp công dân giúp đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt hơn vai trò giám sát đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ năm, việc thực hiện các quy định về hoạt động giữa hai kỳ họp
Thường trực HĐND tỉnh duy trì tổ chức phiên họp hằng tháng để chuẩn bị nội dung, chương trình các kỳ họp HĐND tỉnh và thống nhất các nội dung thuộc thẩm quyền; cho ý kiến các tờ trình của UBND tỉnh về đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và các nội dung thuộc thẩm quyền khác. Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến đối với 435 văn bản của UBND tỉnh xin ý kiến để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh trong năm tại địa phương và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Thứ sáu, việc thực hiện các quy định về hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh
Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ hoạt động, các Tổ đại biểu luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương; các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy trí tuệ, thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị các cấp, các ngành giải quyết nhiều vấn đề chưa hợp lý xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như những vấn đề mà cử tri kiến nghị đến đại biểu. Tại các kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, thảo luận, thực hiện quyền giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương…
Thứ bảy, việc thực hiện các quy định về mối quan hệ công tác với các cơ quan liên quan
Hoạt động của HĐND tỉnh luôn đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng thông qua Đảng đoàn HĐND. Chế độ thông tin, báo cáo luôn được Thường trực HĐND chủ động báo cáo Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy theo Quy chế đề ra. Sự phối hợp của HĐND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội đã đạt được kết quả tốt trong việc tham gia xây dựng pháp luật, tổ chức hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát và lãnh đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ trì xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp công tác số 31/QCPH-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 08/11/2017 giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh. Theo đó, các nội dung phối hợp giữa 03 bên được thực hiện theo Quy chế đã ban hành.
Đối với các cơ quan tư pháp, tại các kỳ họp thường kỳ, HĐND tỉnh xem xét báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp và ban hành nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, công tác Thi hành án để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Đối với Thường trực HĐND các huyện, thành phố Thường trực HĐND tỉnh duy trì phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện mỗi năm 02 lần. Đồng thời, chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề nhằm nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố nhất là hoạt động giám sát.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX còn một số bất cập, hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế như: Một số quy định về mốc thời gian thực hiện chưa phù hợp; chưa có quy định nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu; trách nhiệm tiếp xúc cử tri, tiếp công dân đối với đại biểu HĐND tỉnh…
Để góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND khóa X, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành Quy chế hoạt động tại kỳ họp thứ ba theo hướng: kế thừa và phát triển Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX, sửa đổi, bổ sung các nội dung đã có quy định mới theo các văn bản Luật đã được sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, cụ thể hóa một số nội dung phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND, là cơ sở để HĐND, Tthường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương./.