Câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 được thành lập theo Quyết định số 30/QĐ-HĐND ngày 05/12/2017 của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn với 20 thành viên. Câu lạc bộ là nơi tạo môi trường bổ ích, lành mạnh để các nữ đại biểu HĐND tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tham gia các hoạt động của HĐND, nhất là những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới; lồng ghép giới trong các hoạt động của HĐND.
Sau 4 năm hoạt động Câu lạc bộ đã tổ chức được 07 kỳ sinh hoạt để đánh giá hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu. Trong đó, có 03 kỳ sinh hoạt mời diễn giả đến trao đổi về các nội dung: Kinh nghiệm về kỹ năng chất vấn và đặt câu hỏi của đại biểu dân cử; kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong thời đại công nghệ 4.0; kỹ năng cho nữ đại biểu HĐND. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tham dự một số hội thảo như: Bình đẳng giới và lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (tại Hải Dương); nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (tại Bắc Ninh).
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021
Nữ đại biểu HĐND tỉnh đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo địa phương: 03 nữ đại biểu tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung (đơn vị huyện Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm); 03 nữ đại biểu được luân chuyển, bổ nhiệm vị trí công tác mới (01 nữ đại biểu đơn vị huyện Bạch Thông, 01 nữ đại biểu đơn vị huyện Na Rì, 01 nữ đại biểu đơn vị thành phố Bắc Kạn). Sau Đại hội đại biểu đảng bộ các huyện, thành ủy có 05 nữ đại biểu đang công tác tại địa phương tham gia Ban Chấp hành đảng bộ, trong đó có 02 nữ đại biểu tham gia Ban Thường vụ Huyện, Thành ủy và được bầu giữ chức vụ Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Bắc Kạn, Phó Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, có 05 nữ đại biểu tham gia Ban Chấp hành và 03 nữ đại biểu tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có 01 nữ đại biểu được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Trong nhiệm kỳ qua, vai trò nữ đại biểu HĐND được thực hiện thông qua các hoạt động như: Tham dự kỳ họp, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, chất vấn, giám sát. Trước mỗi kỳ họp, các nữ đại biểu HĐND tỉnh dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp. Nữ đại biểu HĐND tham gia đầy đủ 20 kỳ họp, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, mang tính phản biện sâu sắc, đề xuất được một số kiến nghị, giải pháp cụ thể, sát thực, giúp cho việc ban hành 278 nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh đảm bảo đúng quy định và có tính khả thi. Các chỉ tiêu về bình đẳng giới được HĐND tỉnh lồng ghép trong việc thảo luận các nội dung tại kỳ họp như: Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Nữ đại biểu HĐND tỉnh tham gia đầy đủ 24 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND, 03 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, qua đó vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động, vừa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phối hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đến kỳ họp HĐND để xem xét. Với vai trò cầu nối, nữ đại biểu HĐND đã mạnh dạn trình bày chính kiến đại diện cho dân tại các diễn đàn của HĐND hoặc kiến nghị các cấp, các ngành giải quyết thoả đáng. Đồng thời, đeo bám đến cùng những kiến nghị chính đáng của cử tri mà chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm thông qua hoạt động giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh.
Việc tiếp công dân tại nơi ứng cử cũng được nữ dại biểu HĐND quan tâm thực hiện theo quy định. Qua đó, kịp thời tiếp nhận, phối hợp và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, của công dân, tạo sự thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách có liên quan đến nội dung công dân đề nghị, khiếu nại, tố cáo để hiểu rõ vấn đề. Đối với những nội dung công dân đã kiến nghị hoặc khiếu nại, tố cáo nhiều lần được cơ quan chức năng giải quyết thì trả lời trực tiếp cho công dân. Trong quá trình giải quyết đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp cơ sở.
Các nữ đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực tham gia chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc của cử tri và chất vấn thêm để làm rõ vấn đề. Trong nhiệm kỳ các nữ đại biểu đã tham gia chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh và 24 lượt thành viên UBND tỉnh, nội dung chất vấn là các vấn đề của thực tiễn như: Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên-môi trường, giao thông, xây dựng, tài chính; việc tuyển dụng công chức, viên chức; hoạt động khám, chữa bệnh; các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm...
Nữ đại biểu là thành viên Thường trực HĐND tỉnh, thành viên các Ban HĐND tỉnh đã tham gia 08 cuộc giám sát của Thường trực HĐND và 38 cuộc giám sát của các Ban HĐND tỉnh. Qua hoạt động giám sát, nữ đại biểu HĐND có đóng góp tích cực, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục hạn chế trong trong hoạt động. Sau giám sát, nữ đại biểu HĐND thường xuyên tham gia theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của HĐND được thực thi nghiêm túc.
Trong 02 năm 2018 và năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy việc thực hiện Luật Bình đẳng giới còn có một số tồn tại, hạn chế sau: Việc thực hiện lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành chưa được quan tâm đồng bộ; công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả, nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng; còn một số địa phương coi công tác bình đẳng giới là của tổ chức hội phụ nữ; kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động của một số cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở chưa cao; tỉnh chưa có chính sách riêng cho công tác phụ nữ và phụ nữ. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới chưa thường xuyên. Tỷ lệ nữ chiếm vị trí chủ chốt trong các ngành, các cấp có chiều hướng tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ. Tình trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình, tảo hôn, nạo phá thai ngoài ý muốn vẫn diễn ra nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nhất là đối với phụ nữ trong đồng bào dân tộc Mông, Dao. Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới trên địa bàn. Đến nay, cơ bản các kiến nghị được xem xét giải quyết và trả lời theo quy định.
Khép lại một nhiệm kỳ hoạt động, đa số các thành viên Câu lạc bộ đều mong muốn, Tổ chức APHEDA sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để thành lập Câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho các nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.