Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát thực tế thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức 18 kỳ họp, ban hành 253 nghị quyết thuộc thẩm quyền, trong đó có 163 nghị quyết chuyên đề (96 nghị quyết quy phạm pháp luật, 67 nghị quyết không phải quy phạm). Qua theo dõi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền cho thấy, các Nghị quyết do HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX ban hành đều đúng thẩm quyền, đảm bảo căn cứ pháp lý, phù hợp với thực tiễn nên có tính khả thi, cơ bản các Nghị quyết của HĐND sớm đi vào cuộc sống, không có Nghị quyết nào ban hành sai thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật phải xử lý. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cung cấp nhiều thông tin mang tính phản biện và kiến nghị, đề xuất nhiều ý kiến quan trọng để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, giúp các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể nhìn nhận toàn diện, nhiều chiều và đánh giá sâu về vấn đề được thảo luận để đưa ra phương án tối ưu. Các nghị quyết được tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình thảo luận trước khi Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua.
Có được kết quả đó là do công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của các Ban HĐND tỉnh luôn được Thường trực HĐND tỉnh chú trọng, quan tâm và chỉ đạo sâu sát, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cần thực hiện:
Thứ nhất, các Ban HĐND tỉnh tham mưu Thường trực HĐND cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết.
Sau khi nhận được tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND đề xuất ý kiến. Các Ban HĐND tổ chức xem xét thẩm trađể tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh về sự cần thiết; mục tiêu, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Việc tham mưu cho ý kiến đối với đề xuất xây dựng nghị quyết của các Ban ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết sẽ góp phần nâng cao chất lượng hồ sơ dự thảo nghị quyết, giúp cho việc xây dựng và ban hành nghị quyết đảm bảo đúng thẩm quyền, đủ cơ sở pháp lý, đồng thời hạn chế được sự lãng phí nguồn lực khi các dự thảo nghị quyết đã thực hiện xong các bước theo quy định.
Trên cơ sở kết quả ý kiến xem xét, thẩm tra ban đầu của các Ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết của UBND tỉnh, đồng thời phân công các Ban HĐND thẩm tra theo quy định.
Thứ hai, nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp tại các phiên họp thành viên UBND tỉnh.
Việc tham dự, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo nghị quyết trước khi UBND tỉnh gửi Tờ trình chính thức để thẩm tra được UBND tỉnh quan tâm, có sự phối hợp thường xuyên với các Ban HĐND tỉnh. Những vấn đề còn băn khoăn đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên UBND tỉnh trao đổi cụ thể, một số dự thảo nghị quyết đã được sửa lại qua ý kiến các Ban HĐND tại cuộc họp này, qua đó giảm bớt việc bổ sung báo cáo giải trình khi có ý kiến trái chiều trong báo cáo thẩm tra, do vậy thời gian trình bày báo cáo và thảo luận tại các kỳ họp cũng được rút ngắn; một số tờ trình, dự thảo nghị quyết phải tạm dừng để xây dựng lại và trình tại các kỳ họp tiếp theo.
Thứ ba, chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, tăng cường khảo sát thực tế, tranh thủ ý kiến định hướng, chỉ đạo của Thường trực HĐND
Trên cơ sở điều hòa, phân công cho các Ban thẩm tra của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thẩm tra của Ban, phân công các thành viên Ban nghiên cứu, thẩm tra gắn với ngành lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời quy định cụ thể các mốc thời gian tổ chức khảo sát, thời gian hoàn thành dự thảo báo cáo thẩm tra, dự kiến thời gian họp thẩm tra sơ bộ, họp với các cơ quan chủ trì soạn thảo; phối hợp với Văn phòng HĐND (nay là Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh) để phân công, theo dõi đôn đốc chuyên viên giúp việc các Ban thực hiện nhiệm vụ thẩm tra đảm bảo kịp thời, có chất lượng.
Quá trình thẩm tra, tùy nội dung, Ban tiến hành khảo sát lấy ý kiến của cơ sở và một số đối tượng chịu sự tác động để thu thập thông tin nhiều chiều, đảm bảo trung thực, khách quan.
Song song với việc khảo sát thu thập thông tin, các Ban luôn chủ động cập nhật thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc cử tri, qua các báo cáo định kỳ, các hội nghị sơ kết, tổng kết, các phiên họp thành viên UBND tỉnh, tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng,…Có thông tin đầy đủ giúp cho hoạt động thẩm tra của các Ban được thuận lợi, các báo cáo thẩm tra được chặt chẽ và có tính thuyết phục. Thực tế qua hoạt động khảo sát, các Ban HĐND tỉnh đã phát hiện và chỉ ra một số bất hợp lý trong việc: Đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng; bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng; bố trí danh mục và phân bổ vốn đầu tư hay việc ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp; diện tích đất cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất; việc quy định số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu trên địa bàn tỉnh,…từ đó có những kiến nghị xác đáng, nhận được sự đồng thuận của các đại biểu HĐND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban tại các kỳ họp đều được đại biểu HĐND tỉnh đánh giá chất lượng tốt.
Thông thường, các Ban HĐND tỉnh tổ chức họp nội bộ Ban thông qua dự thảo báo cáo thẩm tra trước khi tổ chức họp mở rộng với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết. Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, các Ban luôn mời Thường trực HĐND tham dự để kịp thời nắm bắt thông tin và có định hướng sớm đối với những nội dung còn ý kiến trái chiều.
Ý kiến thẩm tra của các Ban được báo cáo Thường trực HĐND tại phiên họp Thường trực HĐND.Qua báo cáo thẩm tra của các Ban, Thường trực HĐND quyết định nội dung chương trình kỳ họp, không đưa vào chương trình kỳ họp đối với các Tờ trình không đảm bảo căn cứ pháp lý, không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh hoặc nội dung dự thảo Nghị quyết chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, còn nhiều băn khoăn,.. giúp cho công tác tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh được chặt chẽ, có chất lượng.
Thứ tư, chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ trong kỳ họp, nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh, kịp thời cập nhật ý kiến thảo luận của đại biểu, đề xuất ý kiến với chủ tọa kỳ họp; chủ động chủ trì với cơ quan trình và Sở Tư pháp tiếp thu hoàn thiện dự thảo nghị quyết để kỳ họp thông qua.
Tại kỳ họp, các Ban chủ động nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh, đồng thời phối hợp Văn phòng kịp thời cập nhật ý kiến thảo luận của đại biểu. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì tổ chức hội ý trong Ban, đề xuất ý kiến khi Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp nghe các tổ thảo luận báo cáo, bảo đảm sự thống nhất chung.