Giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và công tác phụ nữ trên địa bàn huyện Na Rì
( Cập nhật lúc:
10/08/2024
)
Sáng ngày 08/8/2024, tại UBND huyện Na Rì, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn huyện Na Rì.
Đồng chí Triệu Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Đoàn giám sát gồm có các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Hội Liệp hiệp Phụ nữ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và đồng chí Phó Chủ tịch HĐND huyện Na Rì.
Tham gia làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đại diện Lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, phòng Tài chính, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn hóa - Thông tin, Đoàn thanh niên và Văn phòng HĐND-UBND huyện Na Rì.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, đại diện UBND huyện Na Rì cho biết, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện và các địa phương trên các lĩnh vực như: lao động việc làm; giáo dục đào đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, quy hoạch cán bộ… có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hoạt động vào chương trình kế hoạch của ngành và địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Luật Bình đẳng giới và công tác phụ nữ trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Còn có cơ sở chưa chú trọng chỉ đạo quyết liệt thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng tiới; chưa tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở còn thấp; công tác phối hợp tổ chức các hoạt động liên quan đến cán bộ nữ và bình đẳng giới ở một số nơi chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, vấn đề về định kiến giới còn tồn tại; kinh phí dành cho hoạt động bình đẳng giới chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các thành phần tham dự đã làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; những thuận lợi khó khăn trong quá trình tham mưu tổ chức thực hiện của các phòng, ban, đơn vị, cơ sở.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt vấn đề trao đổi, làm rõ thêm các nội dung có liên quan đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ như: Tính hiệu quả của các hoạt động tập huấn lồng ghép với các chuyên đề khác; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện; việc thực hiện tuyên truyền về giới trong các nhà trường; sự tham gia của các cơ quan, đơn vị đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giới và bình đẳng giới; cụ thể các trường hợp bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực và xâm hại trên cơ sở giới tại địa bàn; tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản; việc đề xuất, giới thiệu nhân sự nữ của các cơ quan, đơn vị đối với cấp ủy, chính quyền; việc phân giao nhiệm vụ và thực hiện tại cơ sở thôn bản khi không có Ban Vì sự tiến bộ cấp xã...
Các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát đã được các cơ quan, đơn vị phòng ban có ý kiến cụ thể. Trên cơ sở kết quả làm việc tại các địa phương, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có những kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan, địa phương có liên quan để thực hiện tốt hơn nữa Luật Bình đẳng giới cũng như công tác phụ nữ trên địa bàn./.