Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 08
( Cập nhật lúc:
16/03/2022
)
Sáng 15/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn quy định tại Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát
Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh quy định những nội dung như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm và chuyển giao, ứng dụng KHKT mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp, HTX, các trang trại, gia trại...
Trong các năm 2020 - 2021, UBND tỉnh đã lựa chọn và phê duyệt được 41 danh mục dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 05 dự án cấp tỉnh và 36 dự án cấp huyện. Tổng kinh phí phân bổ để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất là hơn 17 tỷ đồng, số đã giải ngân đến năm 2021 là hơn 4 tỷ đồng. Trong hai năm, có 33/41 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai. Thực hiện chính sách đã có hơn 1.000 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, 100% các sản phẩm từ dự án liên kết được chủ trì liên kết thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Theo đánh giá, việc thực hiện các dự án liên kết đã từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung có thế mạnh của địa phương, tuy nhiên còn những tồn tại, hạn chế như: Các dự án quy mô còn nhỏ, thiếu bền vững; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hỗ trợ dự án, hồ sơ thanh quyết toán đề nghị hỗ trợ còn nhiều phức tạp, dẫn đến tình trạng một số HTX không tha thiết thực hiện chính sách trong nghị quyết; số dự án đăng ký liên kết sản xuất nhiều nhưng số dự án được phê duyệt còn ít, chỉ chiếm hơn 50% số đã đăng ký; bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2021 có 8/27 dự án không triển khai thực hiện được…
Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, cơ bản các đối tượng (trừ trang trại, gia trại) đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách, riêng chính sách hỗ trợ tín dụng chưa thực hiện được do các HTX khi vay vốn ngân hàng hầu như không có tài sản đảm bảo mà thường sử dụng tài sản của thành viên HTX nên khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vay.
Sau 02 năm thực hiện, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa là 2.267,654 triệu đồng, trong đó: Hỗ trợ cơ sở sản xuất miến dong (chỉ có HTX Tài Hoan được hỗ trợ) với tổng kinh phí là 726,614 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, tỉnh đã hỗ trợ 02 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Bắc Kạn và thị trấn Chợ Rã với kinh phí hỗ trợ là 01 tỷ đồng (500 triệu/điểm); bố trí 472 triệu đồng để thực hiện đánh giá, xếp loại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, UBND tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các siêu thị tổ chức các tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh đến với người tiêu dùng thủ đô; về chính sách hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận sản xuất theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khác như VietGAP, Globalgap, GMP…, đã có 13 HTX và tổ hợp tác được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ là 69,04 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu dự họp đã trao đổi về: Công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; việc chỉ đạo thực hiện của các địa phương cần thống nhất; khó khăn trong thủ tục thanh quyết toán; việc xây dựng các chính sách mới thay thế nghị quyết số 08; giải pháp nâng cao năng lực của các HTX; vị trí của các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến của UBND tỉnh để hoàn thiện báo cáo giám sát trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ tám (kỳ họp chuyên đề). Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Mục tiêu của việc thực hiện các chính sách nông nghiệp là nhằm tạo ra các sản phẩm đủ lớn, đủ tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp cho thị trường. Do đó, để chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các chính sách đặc thù của tỉnh; có đầu mối chủ trì tham mưu cho tỉnh về chính sách này; trong chỉ đạo hướng dẫn cần thống nhất ngay từ đầu, đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện; có giải pháp căn cơ để nâng cao năng lực cho các HTX, thay đổi nội dung tập huấn theo hướng đào tạo kỹ năng cụ thể; các thành viên UBND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm trong tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách; đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò người đại biểu nhân dân trong việc thực hiện các chính sách nói chung và Nghị quyết của HĐND tỉnh nói riêng.../.