Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại huyện Ba Bể

( Cập nhật lúc: 13/11/2019  )

 

Khảo sát tại điểm trường Nà Niếng, Tiểu học Bành Trạch

 

Tại Trường Tiểu học Thượng Giáo, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, nhà trường giảm 01 điểm trường và 02 lớp; hiện nay nhà trường có 02 điểm trường lẻ. Khoảng cách xa nhất giữa các điểm trường lẻ với trường chính là 07 km. Theo báo cáo của nhà trường thi sau khi sáp nhập, điều kiện tham gia học tập của học sinh được thuận lợi hơn, 100% học sinh được học môn Tiếng Anh chương trình 10 năm; học môn Mỹ thuật theo phương pháp mới, một số lớp tại điểm trường không phải tổ chức học lớp ghép. Đồng thời, chất lượng giáo viên ngày càng được nâng lên.

 

Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Bành Trạch có 08 điểm trường lẻ và 01 điểm trường chính với 24 lớp, 272 học sinh của 13 thôn. Khoảng cách xa nhất từ điểm trường lẻ đến điếm trường chính là 17 km. Sau khi dồn điểm trường Nà Niếng về trường chính, sĩ số học sinh được duy trì, không có học sinh bỏ học, học sinh được tham gia các hoạt động chung nhiều hơn, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên.

 

Theo Báo cáo của UBND huyện Ba Bể, sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, tính đến đầu năm học 2019-2020 toàn huyện giảm 06 trường và 32 lớp; số nhân viên giảm 14 so với đầu năm học 2015-2016. Sau khi sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã tạo điều kiện cho các em học sinh được tham gia học tập tốt hơn; công tác duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo; việc trao đổi, phân công chuyên môn của đội ngũ giáo viên được thuận lợi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Sau khi sáp nhập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Bể đã kịp thời kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. 

 

Bên cạnh một số thuận lợi nêu trên thì việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục còn một số tồn tại, khó khăn như: Việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, diện tích đất của điểm trường không có nhu cầu sử dụng sau khi sáp nhập chưa được thực hiện kịp thời. Việc dồn ghép các điểm trường chưa tính toán hết những tác động nên sau khi dồn ghép điểm trường về trường chính có một số học sinh đi học xa nhưng chưa bố trí ăn bán trú do cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo.  

 

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Đồng Thị Vân Thoa, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND đề nghị lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo rà soát diện tích đất nhà trường không có nhu cầu sử dụng sau khi sáp nhập để có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tiếp thu những kiến nghị của nhà trường liên quan đến những khó khăn sau khi dồn ghép điểm trường để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh trong qua trình tham gia học tập./.


Phùng Mai