Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giai đoạn 2019-2021 tại Cơ quan công an (CQCA), VKSND (VKSND) cấp tỉnh, cấp huyện và một số Công an cấp xã trên địa bàn. Qua đó, đã đánh giá công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm giai đoạn 2019-2021 đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiểm tra trang thiết bị ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai tại Công an thành phố Bắc Kạn.
Xuất phát từ tính chất, vai trò và vị trí quan trọng của công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm của CQCA, VKSND cấp tỉnh và cấp huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác phổ biến, tập huấn, quán triệt các quy định của pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm trong lực lượng công an và ngành kiểm sát được chú trọng, thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ, tổ chức tập huấn chuyên đề, lồng ghép hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ. Hoạt động tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác được thực hiện đảm bảo theo quy định, có phòng trực ban, số điện thoại trực ban và hộp thư tố giác được bố trí tại các địa điểm dễ quan sát, thuận tiện cho người dân đến báo tin; có cán bộ trực ban 24/24 giờ và mở sổ theo dõi ghi chép, phân loại việc tiếp nhận. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình tiếp nhận, giải quyết; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố chặt chẽ, qua đó đã phát hiện, kiến nghị và khắc phục kiến nghị về những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chợ Mới
Trong giai đoạn 2019 - 2021, CQCA đã tiến hành tiếp nhận đối với hơn 1.770 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cơ quan VKSND cấp huyện trực tiếp tiếp nhận 14 tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và đã chuyển cơ quan Công an để giải quyết theo quy định. VKSND hai cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát gần 1.800 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do CQCA và cơ quan Kiểm lâm giải quyết; ban hành 100% các yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin tội phạm. Nhìn chung, hoạt động tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm được cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được đảm bảo. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết cơ quan có thẩm quyền thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với VKSND cùng cấp, đồng thời thực hiện đầy đủ đúng quy định các yêu cầu xác minh của VKSND. Cơ bản các quyết định của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động điều tra đều được VKSND cùng cấp nhất trí.
VKSND hai cấp đã mở 35 điểm trực tiếp kiểm sát; ban hành 45 kiến nghị khắc phục vi phạm và kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với các Hạt kiểm lâm, Cơ quan cảnh sát điều tra và một số UBND xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Các kiến nghị khắc phục vi phạm về các nội dung như: Việc thụ lý tin báo không đúng thời hạn quy định; chưa mở sổ theo dõi, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo mẫu; chưa thông báo kết quả tiếp nhận, thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo cho VKSND, cơ quan, người đã tố giác, báo tin về tội phạm trong thời gian quy định; chưa ghi thời hạn trả kết luận định giá tài sản; chưa ghi và xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của người được lấy lời khai...
Thông qua hoạt động giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã phát hiện, chỉ ra những vướng mắc và tồn tại, hạn chế như: Còn có khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó có khiếu nại đúng, tố cáo đúng; nhiều tin báo phải chờ kết quả cung cấp thông tin của cơ quan hữu quan, kết luận giám định, định giá tài sản nên phải tạm đình chỉ giải quyết; phương tiện ghi âm, ghi hình trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm chưa thực sự đồng bộ, một số địa phương, thiết bị hư hỏng, xuống cấp; không có quy định việc tiến hành thực nghiệm điều tra trong giai đoạn giải quyết tin báo; chưa có quy định cụ thể về việc bảo quản, xử lý tài sản, đồ vật, tài liệu trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm; chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục định giá một số loại tài sản không có giá chung trên thị trường, như: Hoa phong lan đột biến, vật nuôi làm cảnh…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc là do công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trong giai đoạn 2019 -2021 vừa qua, chịu sự tác động không nhỏ của dịch Covid 19; một số tin báo do ảnh hưởng của dịch Covid19 nên việc lấy lời khai, xác minh kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết; một số quy định của pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục định giá một số loại tài sản không có giá chung trên thị trường dẫn đến sự lúng túng trong quá trình giải quyết tin báo có liên quan đến các tài sản đó; một số cơ quan chậm cung cấp thông tin, kết quả giám định do nội dung giám định, định giá khá phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; công tác giám định tư pháp, định giá tài sản của Bộ, ngành Trung ương và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện có lúc chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng; chưa có quy định trong việc trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu của các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông; một số cán bộ, điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm, do vậy chất lượng giải quyết một số tin và việc thực hiện giải quyết tố giác, tin báo tội phạm trong một số trường hợp chưa đảm bảo...
Từ kết quả giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có những kiến nghị cụ thể đối với UBND tỉnh, cơ quan Công an và VKSND cấp tỉnh, cấp huyện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2019-2021, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ, chính quyền các cấp, ngành dọc cấp trên, công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm đã được tổ chức, thực hiện, đảm bảo vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới CQCA, VKSND cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, giải quyết tốt các nguồn tin, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội./.