Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
( Cập nhật lúc:
12/09/2022
)
Thực hiện Kế hoạch giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, từ ngày 07/9 đến ngày 09/9/2022, Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Lường Đức Thắng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tổ chức giám sát công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì
Theo đó, Ban đã tổ chức giám sát trực tiếp đối với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì và UBND các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn.
Để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã hành năm đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các bộ phận chuyên môn, công chức phối hợp triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng.
Từ 01/01/2020 đến hết 31/7/2022, trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các ngành chức năng đã tổ chức hơn 600 cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý và xử lý theo thẩm quyền 1.223 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tịch thu 1.900 m3 gỗ các loại, trong đó gỗ quý hiếm là hơn 30 m3, trong đó: Phá rừng trái pháp luật: 641 vụ chiếm 52,4%; khai thác rừng trái pháp luật: 95 vụ chiếm 7,8%; vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật: 374 vụ chiếm 30,6%; vi phạm khác: 113 vụ chiếm 9,2%. Số vụ vi phạm đã ra quyết định xử phạt là 959 vụ; số vụ vi phạm không quyết định xử phạt là 264 vụ. Số đối tượng vi phạm: Cá nhân 1.036 vụ; tổ chức 01 vụ; không xác định được đối tượng 186 vụ; phạt tiền 959 vụ; hình thức xử phạt bổ sung khác 683 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 24.599.418.000 đồng, đã thu được 5.869.146.000 đồng, chưa thu được 18.730.272.000 đồng. Tổng số tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 1.400.000.000 đồng. Số vụ đã chấp hành là 469 vụ; số vụ không chấp hành là 497 vụ; số vụ cưỡng chế là 19 vụ.
Về nguyên nhân số tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt thấp là do đa phần đối tượng vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, một số người vi phạm là đối tượng hộ nghèo hoặc ở địa phương khác, không có tiền nộp phạt, không có tài sản để cưỡng chế thi hành. Việc cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện một số quy định của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp còn có những bất cập.
Qua giám sát tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đã đạt được và chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng; tiếp tục nghiên cứu, xem xét và tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; thường xuyên nắm bắt tình hình tại cơ sở để kịp thời và xử lý nghiêm các vụ, việc vi phạm theo quy định của pháp luật. Đoàn giám sát tiếp thu những kiến nghị về những bất cập trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp để kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định.