Ban Dân tộc HĐND tỉnh họp thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát
( Cập nhật lúc:
20/03/2023
)
Chiều 17/3/2023, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức họp để xem xét dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Vĩnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo và chuyên viên Phòng Công tác HĐND.
Đồng chí Hoàng Văn Vĩnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, phát biểu tại cuộc họp
Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-HĐND ngày 03/02/2023 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 21/02/2023 đến ngày 03/3/2023, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại UBND các xã: Nghiên Loan, Xuân La (huyện Pác Nặm); Chu Hương, Phúc Lộc (huyện Ba Bể); Sỹ Bình, Vi Hương (huyện Bạch Thông); Dương Sơn, Sơn Thành (huyện Na Rì); Tân Sơn, Thanh Mai (huyện Chợ Mới); Thượng Quan, Cốc Đán (huyện Ngân Sơn); Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); UBND các huyện; Ban QLDA ĐTXD công trình nông nghiệp và PTNT; Ban QLDA ĐTXD tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội LHPNVN tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh; giám sát gián tiếp thông qua báo cáo đối với một số cơ quan đơn vị.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao từ đầu giai đoạn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn đặt ra mục tiêu phân đấu cao nhất trong triển khai và thực hiện chương trình, trong đó đã chỉ đạo và cơ bản hoàn thiện các quy định quản lý, cơ chế, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình.
Qua giám sát, việc triển khai, thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện còn lúng lúng, đặc biệt là cấp cơ sở, tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án tại các địa phương nhìn chung còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí đạt thấp, đặc biệt các dự án, tiểu dự án rất thấp như: Nội dung hỗ trợ nước nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), kết quả giải ngân đạt 23.7%; Tiểu dự án 1 – Dự án 3 (Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân), kết quả giải ngân đạt 3,46%; Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) kết quả giải ngân đạt 18,56%; một số nội dung, tiểu dự án năm 2022 chưa thực hiện phải chuyển nguồn sang năm 2023 thực hiện; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình một số địa phương chưa thực sự quyết liệt; Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc và các chương trình dự án có lúc, có nơi chưa kịp thời và thường xuyên; Công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác dân tộc nói chung và các chương trình, chính sách dân tộc còn hạn chế; Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc chưa được kịp thời,
Tại buổi làm việc, các đại biểu dự họp đã góp ý về bố cục của báo cáo, xem xét bổ sung một số kiến nghị, đề xuất đối với Trung ương, đối với UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tháo gỡ những bất cập, khó khăn từ đó thực hiện tốt hơn Chương trình, đưa chính sách đến với người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Văn Vĩnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý tại cuộc họp, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh tại Phiên họp tháng 3 (mở rộng) vào ngày 20/3/2023.