Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, ngay từ đầu năm 2022, Huyện ủy, HĐND - UBND huyện đã ban hành, triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, 2023.
Huyện Na Rì thực hiện 09/10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trừ dự án 02 Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết do Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư).
Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2022 đạt 32.384,28/39.103,00 triệu đồng, đạt 82,82% (Bao gồm cả nguồn tỉnh điều hành); năm 2023 đang lập thủ tục đầu tư, chưa giải ngân. Tiến độ giải ngân nguồn vốn vốn sự nghiệp năm 2022 đạt 3.936,08/20.083,46 triệu đồng, đạt 19,6% (Bao gồm cả nguồn tỉnh điều hành), chuyển nguồn sang năm 2023 tiếp tục thực hiện; nguồn vốn năm 2023 đang triển khai thực hiện, chưa giải ngân. Kết quả thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù: Năm 2022, huyện Na Rì thực hiện đầu tư 41/47 dự án theo cơ chế đặc thù; năm 2023 thực hiện 46/56 dự án theo cơ chế đặc thù.
Đồng chí Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Rì, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Sơn Thành
Tại buổi làm việc, UBND huyện Na Rì và các phòng, ban chuyên môn đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc như: Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện giữa các Bộ, Ngành chưa thống nhất, ban hành chậm, nguồn vốn giao muộn ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Như theo Quyết định 2415/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn thự hiện dự án 7 có mục mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, nhưng theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính thì không có nội dung chi cho mua sắm trang thiết bị. Đối với Tiểu dự án 2, Dự án 10 chưa có Hướng dẫn của Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện các nội dung của Tiểu dự án. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện việc mua sắm hàng hóa theo Thông tư 58/2016/TT-BTC, mất nhiều thời gian cho việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc xây dựng dự toán các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do có một số dự án mới triển khai, mới về cơ chế quản lý, hoạt động, định mức hỗ trợ nên trong quá trình thực hiện cấp huyện và cấp xã rất lúng túng…
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nông Quang Nhất, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của huyện trong thời gian đầu thực hiện Chương trình, đồng chí đề nghị huyện bổ sung những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình trao đổi và kiến nghị, đề xuất để Đoàn giám sát có cơ sở làm việc với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện cần tiếp tục nỗ lực, tập trung chỉ đạo để sớm giải ngân vốn để thực hiện các dự án của Chương trình trên tinh thần giải ngân nhanh nhưng phải đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế, đời sống, xã hội của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND xã Dương Sơn và UBND xã Sơn Thành.