Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách cho học sinh trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh

( Cập nhật lúc: 10/11/2020  )
Vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát công tác quản lý việc tuyển sinh và thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2017 đến nay. Qua giám sát, Ban đã phát hiện nhiều bất cập và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Trường PTDTNT nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập, là loại trường chuyên biệt, dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 6 trường PTDTNT cấp huyện đào tạo bậc THCS là: Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới; riêng huyện Bạch Thông chưa có trường PTDTNT THCS; 01 trường PTDTNT cấp tỉnh đào tạo bậc THPT (PTDTNT Bắc Kạn).

Trước tháng 10/2020, hệ thống các Trường PTDTNT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, từ tháng 10/2020, các trường PTDTNT cấp THCS được bàn giao cho UBND cấp huyện quản lý.

Qua giám sát cho thấy, một số quy định trang cấp đồ dùng cho học sinh hiện đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109 đến nay đã không còn phù hợp, cụ thể: Mức học bổng đối với học sinh bằng 80% mức lương cơ sở hiện hành là thấp so với nhu cầu học sinh hiện nay; việc trang cấp bằng hiện vật một lần một số đồ dùng cá nhân như nilon đi mưa, áo bông như hiện nay không còn phù hợp. Đối với chăn bông cá nhân, màn cá nhân, chiếu cá nhân, quần áo dài tay (đồng phục) một số trường đề nghị được cấp 02 lần trong cả cấp học vì qua các năm sử dụng, các vật dụng trên sẽ bị hỏng, sờn rách, bên cạnh đó học sinh cấp THCS phát triển thể chất nhanh nên quần áo dài tay chỉ được cấp 01 lần trong 4 năm học là không phù hợp; chính sách mua bổ sung sách giáo khoa hằng năm bằng 10% số đầu sách còn quá cứng nhắc (vì chỉ được phép mua sách giáo khoa mà không được mua sách tham khảo, sách nâng cao…). Trong khi giáo dục hiện nay đổi mới toàn diện từ chương trình đến phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học, hơn nữa nhu cầu tìm tòi của giáo viên và học sinh đều tăng lên.

Đối với nhân viên nấu ăn trong trường PTDTNT được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã được chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ  ngày 29/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4241/UBND-NCPC ngày 27/7/2020 về chuyển hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP đã ký đang áp dụng bảng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, theo đó tại mục 4.2 có quy định “kinh phí chi trả cho hợp đồng lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ nguồn tài chính ngoài quỹ tiền lương của đơn vị”. Qua giám sát, Ban nhận thấy việc quy định như vậy là rất khó khăn cho các trường PTDTNT trong quá trình triển khai thực hiện vì nguồn tài chính ngoài quỹ tiền lương của đơn vị rất eo hẹp, bên cạnh đó các trường PTDTNT hoàn toàn được nhà nước cấp kinh phí để hoạt động và không được thu bất khoản phí của học sinh.

Giáo viên và học sinh Trường PTDTNT Bắc Kạn giảng dạy và học tập trong điều kiện phòng học
chật hẹp, 
chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về tổ chức nuôi dưỡng, hiện nay, học sinh chỉ được hỗ trợ học bổng 1.192.000 đồng/tháng (80% của mức lương cơ bản 1.490.000đồng),với định mức như vậy là khó bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho học sinh. Bên cạnh đó, việc quy định chung cho học sinh cấp THCS và cấp THPT mức học bổng giống nhau là chưa phù hợp, học sinh cấp THPT cần được hưởng mức học bổng cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu về phát triển thể chất. 

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu (riêng Trường PTDTNT THCS Chợ Mới mới được đầu tư xây dựng nên cơ sở vật chất còn khá tốt), các trường còn lại đến nay hầu hết đã xuống cấp, cụ thể:

Trường PTDTNT Bắc Kạn (thuộc cấp tỉnh quản lý) tuy đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ tháng 12/2012, nhưng qua giám sát Ban nhận thấy cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu nhiều hạng mục như: Thiếu 02 phòng học, 14 phòng ở ký túc xá, chưa có tường rào, sân chơi, bãi tập; khu ký túc xá (được xây dựng từ năm 2005) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, đường điện tại khu ký túc xá chỉ được thiết kế để thắp sáng, không lắp được quạt, nước sinh hoạt chỉ lên được đến tầng 1, tầng 2, học sinh ở tầng 3, tầng 4 phải dùng xô xách nước lên để sinh hoạt. Phòng ở và phòng học của nhà trường chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư liên tịch số 01, cụ thể: Nhà trường phải bố trí 10 học sinh/phòng ở, diện tích mỗi phòng ở chỉ khoảng 20m² trong khi quy định tối thiểu 6m²/học sinh, thậm chí nhà trường phải tận dụng phòng sinh hoạt chung, không đúng với công năng sử dụng để làm phòng ở cho học sinh. Các phòng học của học sinh chật chội không đáp ứng quy định tối thiểu 2m²/học sinh, hiện nay mỗi lớp học có 35 học sinh nhưng diện tích lớp học chỉ có 48m²… Bên cạnh đó, bể tự hoại của khu ký túc xá đã nhiều năm nay chưa được xử lý (do thiếu kinh phí) vì vậy đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh, đặc biệt đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh của trường.

Đối với Trường PTDTNT Pác Nặm, phòng ở của học sinh không có nhà vệ sinh, nhà tắm nên học sinh phải tắm rửa, sinh hoạt tại nhà vệ sinh chung; Trường PTDTNT Chợ Đồn chưa có nhà truyền thống, nhà hiệu bộ chưa đủ phòng làm việc cho cán bộ quản lý và nhân viên, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa đạt yêu cầu…

Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh  có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư Liên tịch số 109/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

UBND tỉnh và các ngành liên quan, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng ở nội trú, nhà công vụ đối với các trường PTDTNT đảm bảo tối thiểu so với quy định để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ mức học bổng cho học sinh để đạt 100% mức lương cơ sở vì mức học bổng như hiện nay là rất thấp không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phát triển thể chất cho học sinh, đặc biệt là học sinh cấp THPT./.

Huy Nhân, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP