Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ban Pháp chế HĐND huyện Chợ Đồn giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng vị thành niên trên địa bàn huyện

( Cập nhật lúc: 07/06/2023  )

Từ ngày 22 đến ngày 29/5/2023, Ban Pháp chế HĐND huyện tổ chức giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng vị thành niên trên địa bàn huyện tại các đơn vị trường học và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đoàn giám sát đã giám sát trực tiếp tại trường THCS Bình Trung, trường THCS thị trấn Bằng Lũng và UBND xã Đại Sảo. Đoàn giám sát do Ông Triệu Quang Duy, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Trưởng ban Ban Pháp chế  HĐND huyện làm trưởng đoàn.

Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế HĐND huyện làm việc tại UBND xã Đại Sảo về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng vị thành niên.

Với mục đích đưa pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, những năm qua huyện Chợ Đồn luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ thực tế những năm gần đây, tội phạm vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ và hậu quả, gây tâm lý lo lắng, bức xúc cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Qua giám sát tại các đơn vị cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh trong nhà trường chủ yếu là vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, ngoài ra, có tình trạng một số học sinh đánh nhau gây thương tích, trộm cắp, đánh bạc trên không gian mạng...

Buổi ngoại khóa về ATGT của trường THCS thị trấn Bằng Lũng

Qua báo cáo giám sát tại các đơn vị trường học, công tác tuyên truyền PBGDPL trong trường học được các trường chú trọng, nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh. Các hình thức tuyên truyền như ngoại khóa, lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật trong các giờ dạy và các chuyên đề chuyên môn. Ðồng thời, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung PBGDPL vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu mà vô cùng “thực tế”, tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” làm cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia…

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng vị thành niên các đơn vị trường học mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế như các buổi ngoại khóa, các diễn đàn chưa thật sự thu hút, lôi cuốn được đông đảo học sinh tham gia. Việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan chưa thực sự được thường xuyên liên tục nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, muốn khẳng định, thể hiện mình, do hiếu kỳ, hiệu ứng đám đông, từ việc nhận thức chưa đầy đủ kiến thức pháp luật nên việc làm chủ bản thân còn hạn chế dễ bị lôi kéo, vi phạm nội quy và một số quy định pháp luật. Cùng với đó, do tình trạng thờ ơ của xã hội trước những sai phạm của lứa tuổi vị thành niên vẫn còn tồn tại, người lớn chưa thật sự nêu gương trước con trẻ khá phổ biến. Mặt trái của xã hội, khoa học công nghệ, thông tin đã có ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức lối sống của một số trong độ tuổi vị thành niên.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị thuộc đối tượng giám sát tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Tiếp tục đổi mới, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Các đơn vị trường học cần chủ động phối hợp với các phòng, ban ngành địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Ðồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường./.

Ma Thị Oanh, Ban Pháp chế HĐND huyện Chợ Đồn
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP