Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát năng lượng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2021

( Cập nhật lúc: 23/03/2023  )

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Trên cơ sở làm việc trực tiếp và nghiên cứu báo cáo của các đơn vị thuộc đối tượng giám sát, cùng với kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có đánh giá về kết quả thực hiện cũng như những tồn tại, hạn chế và một số kiến nghị gửi đến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân kết luận buổi làm việc tại Sở Công thương

Giai đoạn 2016-2021, nguồn năng lượng được sử dụng trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân: 100% xã, phường thị trấn thuộc 08/08 huyện, thành phố được cấp điện lưới quốc gia; nguồn năng lượng thủy điện nhỏ đã cung cấp được khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn; mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có lượng hàng dự trữ, cung ứng phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong 01 tháng (khoảng 420 tấn gas các loại); có 79 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với tổng dung tích bể chứa khoảng 3.531m3. Trong giai đoạn này, các dự án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh (gồm: quy hoạch thủy điện và quy hoạch điện lực) và phát triển lưới điện cơ bản bám sát quy hoạch và quy hoạch điều chỉnh được duyệt, phù hợp với các quy hoạch liên quan và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với việc bảo vệ môi trường; hiệu quả đầu tư của các dự án thủy điện tương đối tốt, với 05/18 dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch được phê duyệt đã vận hành phát điện ổn định, góp phần bổ sung nguồn điện năng cho lưới điện quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; việc thu hồi, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án thủy điện tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện đảm bảo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật về đất đai.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại Thủy điện Thác Giềng 1, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn (ảnh: backancity.gov.vn)

Trong giai đoạn, tổng diện tích trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng để làm thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được là 42,24ha/43,84ha diện tích phải trồng rừng thay thế (đạt 96,4%); số tiền đã thu được để trồng rừng thay thế là 496.554.057 đồng/1.091.099.222 đồng số tiền phải thu (đạt 46%). Các chủ dự án nhà máy thủy điện đã cơ bản thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực dự án theo quy định, không có hành vi vi phạm về chặt phá rừng trong quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng của công trình. Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh có quy mô công suất nhỏ, không có hộ dân phải di chuyển, tái định cư, người dân chủ yếu bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất, đã được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó đưa ra các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, báo cáo định kỳ. Đồng thời tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chuyển đổi thiết bị, công nghệ sử dụng năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức tập huấn…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế như: Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng), năng lượng tái tạo chưa được ban hành hoặc đã được ban hành nhưng chưa đầy đủ nên chưa thu hút được nguồn lực đầu tư từ xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp (Chính phủ đã ban hành các cơ chế khuyến khích tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp vào phát triển năng lượng tái tạo như: Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020  của Thủ tướng Chính phủ quy định các dự án điện mặt trời nối lưới vận hành thương mại từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 có giá 1.783 đồng tương đương 7,69 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi, giá 1.644 đồng tương tương 7,09 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời mặt đất, giá 1.943 đồng tương đương 8,38 UScent/kWh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà và sau ngày 31/12/2020 giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới sẽ được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên những chính sách này chưa có lộ trình xuyên suốt, liên tục làm giảm cam kết của nhà đầu tư khi triển khai các dự án theo quy hoạch); có căn cứ pháp lý để ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực nhưng chưa được rà soát sửa đổi, bổ sung, có quy định chưa phù hợp thực tiễn, có hoạt động chưa ban hành quy định quản lý kịp thời; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện có lúc chưa được thường xuyên; còn có dự án thủy điện triển khai chậm tiến độ, quản lý và vận hành khai thác chưa đảm bảo; có dự án thủy điện chưa hoàn thành việc trồng rừng thay thế, chưa nộp đầy đủ tiền trồng rừng thay thế theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; trong quá trình xây dựng và vận hành một số nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng đến đến môi trường như: Thay đổi dòng chảy của sông suối, đất đá vùi lấp lòng sông, suối, hồ và đất trồng lúa, đất trồng màu của Nhân dân; nguồn thủy sản kém phong phú; xảy ra các sự cố về đường ống làm sạt lở đất của Nhân dân; một số nhà máy thủy điện khi đi vào hoạt động đã làm ngập úng thêm một số diện tích đất ngoài chỉ giới đất đã thu hồi, gây khó khăn cho việc giao thông và lấy nước sản xuất, nuôi thủy sản của người dân; do quy mô cung cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh không lớn, nên việc đầu tư phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo quy hoạch được duyệt, chậm hơn so với tiến độ; quy hoạch phát triển năng lượng được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên đến nay Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo; việc đầu tư cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh theo Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra, do các Bộ, ngành trung ương chưa bố trí được nguồn vốn thực hiện...

Từ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương nêu trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị một số nội dung đến các Bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng được hiệu quả hơn trong thời gian tới:

Thứ nhất, liên quan đến việc ban hành các chính sách, pháp luật mới về phát triển năng lượng trong giai đoạn tới, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị xem xét sửa đổi Luật Điện lực trong đó bổ sung các nội dung quy định về phát triển năng lượng tái tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về các trạm sạc xe điện phù hợp với thực tế phát triển; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng tái tạo) phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng; sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng theo mục a điểm 5 phần II Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, đối với quy định về phát triển năng lượng tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần rà soát, đối chiếu để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp như: (1) Xem xét, sửa đổi yêu cầu đánh giá tác động môi trường đối với các dự án năng lượng tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 theo hướng: Có hạn mức cụ thể đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Đặc biệt các công trình đường dây và trạm biến áp trung hạ thế có diện tích đất sử dụng lâu dài nhỏ, chất thải phát sinh chủ yếu trong quá trình thi công; (2) xem xét nghiên cứu sửa đổi quy định về trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện di chuyển các công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP theo hướng: Kinh phí dịch chuyển, xây dựng các công trình thiết yếu (cột điện) đã được phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do chủ đầu tư tiến hành việc nâng cấp, cải tạo công trình giao thông bố trí kinh phí thực hiện; (3) theo phân loại đập, hồ chứa nước tại Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định: Đập có chiều cao trên 15m là đập, hồ chứa nước lớn mà không phụ thuộc vào dung tích hồ chứa. Tuy nhiên, từ thực tiễn trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc phân loại như vậy là chưa phù hợp. Thực tế có dự án thủy điện quy mô công suất (2,4MW), đập có chiều cao lên đến 18m, dung tích hồ chứa nhỏ (111.000m3), theo phân loại thuộc đập, hồ chứa nước lớn và sẽ phải thực hiện các quy trình rất chặt chẽ từ khâu thiết kế, quy trình vận hành, quy trình bảo dưỡng, phải lắp đặt các thiết bị quan trắc chuyên dùng… Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trên cho phù hợp với thực tiễn; (4) rà soát, đối chiếu các quy định và căn cứ ban hành Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện và Thông tư 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định trong giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án thủy điện đã được Bộ chuyên môn cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt trong quá trình thi công xây dựng (công tác đổ đất đá thải, đắp đập ngăn dòng, nạo vét dòng chảy, duy trì dòng chảy tối thiểu...).

Thứ năm, sớm bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương thực hiện dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành mục tiêu dự án tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công Thương.

Thứ sáu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp: Nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá đầy đủ về tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra và đôn đốc chủ đầu tư các dự án thủy điện hoàn thành việc trồng rừng thay thế và nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định; tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Triệu Tuyên

Tin cùng chuyên mục


Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (14/03/2023)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chuẩn bị giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh (12/03/2023)

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (12/03/2023)

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề xuất 5 vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(21/02/2023)

Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát(13/02/2023)

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại sở Giáo dục và Đào tạo.(13/02/2023)

Giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại một số trường học trên địa bàn huyện Chợ Đồn(13/02/2023)

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì. (10/02/2023)

Còn nhiều khó khăn trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (08/02/2023)

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Pác Nặm(08/02/2023)

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP