Thực hiện đầu tư đối với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng để phát huy hiệu quả toàn tuyến
( Cập nhật lúc:
06/06/2022
)
Chiều ngày 06/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến
Tham gia phiên thảo luận, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phát biểu: sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo nghị quyết số 38/2004/QH11, mặc dù còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó, Cao Bằng đến Đất Mũi Cà Mau với quy mô 2 làn xe. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 06 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 03 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 nhưng đánh giá một cách tổng quát, công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triến kết câu hạ tâng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đấy phát triến kỉnh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua như Nghị quyết 66 xác định.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến đường Hồ Chí Minh được quy hoạch dài 1762 km đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III, 2-4 làn xe. Đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Kạn dài khoảng 120 km cơ bản đi trùng với tuyến Quốc lộ 3 hiện hữu, hiện trạng là đường cấp IV miền núi, đường còn rất nhiều đoạn quanh co, nhỏ hẹp với điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp, qua nhiều khu dân cư như: thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; thành phố Bắc Kạn; thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới làm hạn chế khả năng lưu thông của tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Trong thời gian qua, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh trung tâm huyện Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và thực hiện từ năm 2016-2018, sau khi hoàn thành 02 đoạn tuyến trên có chiều dài trên 10km. Tuy nhiên với lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng, nhiều đoạn tuyến hiện trạng là tuyến đường cấp thấp, mặt đường hẹp, một số đoạn qua khu dân cư chưa được đầu tư tuyến tránh, nhất là đoạn tuyến qua nội thị thị trấn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; thành phố Bắc Kạn; thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.
Từ những nhận định trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ: Quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn xây dựng, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn miền núi khó khăn, các tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh nhằm hình thành nhiều chuỗi du lịch có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng là các cụm di tích lịch sử, an toàn khu, văn hóa, danh lam thắng cảnh từ đó phát huy hiệu quả tuyến đường; Sớm đầu tư xây dựng đoạn tuyến tránh trung tâm huyện, thành phố và các thị trấn trong đó có đoạn tránh trung tâm huyện Bạch Thông thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, tai nạn giao thông nhằm nâng cao khả năng lưu thông, khai thác tuyến đường đồng thời phục vụ mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt; Tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo việc đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện đầu tư đối với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng nhằm phát huy hiệu quả toàn tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch để không những phát huy tối đa nguồn lực đã đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc mà quan trọng góp phần bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, bảo vệ phên giậu của Tổ quốc.