Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

( Cập nhật lúc: 29/08/2024  )

Chiều 27/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.

Toàn cảnh Hội nghị

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tháng 6/2024 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên chuyên đề pháp luật ngày 14/8/2024. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách gồm 09 chương, 100 điều. Nhiều nội dung trong dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội.

Tại Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, dự thảo luật quy định 12 khoản về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động di sản văn hóa, tăng 07 khoản so với luật hiện hành và giảm 01 khoản so với dự thảo luật được trình tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, để tránh các hành vi khác có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa mà chưa được luật quy định, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản mang tính chất đảm bảo được việc liên quan có ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa, đó là các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến di sản văn hóa, đề nghị đưa nội dung này vào hành vi cấm trong Điều 9 của dự thảo luật.

Tiếp tục quan tâm đến chính sách đối với nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể tại Điều 14, đại biểu nêu ý kiến:

Tại khoản 1 quy định: Nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được hưởng chính sách sẽ được ưu đãi của Nhà nước như sau:

Thứ nhất là được Nhà nước xét tặng, tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Thứ hai là hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan trong hoạt động duy trì, thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ ba là hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan đến việc thành lập, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ tư là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tuy nhiên, trong các nội dung liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân đại biểu quan tâm đối với nội dung được quy định tại điểm d khoản 1, đó là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có những nghệ nhân chưa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nhưng có nhiều đóng góp cho việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy cho người kế cận, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tại địa phương, nhất là đối với nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nghệ nhân dân gian do Hội văn nghệ dân gian tặng, ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này, đó là nghệ nhân dân gian đã được Hội văn học dân gian phong tặng (nội dung này đại biểu đã có ý kiến tại kỳ họp thứ 7, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để làm sao bảo đảm được quyền lợi và chính sách đối với nghệ nhân dân gian có rất nhiều đóng góp cho việc truyền dạy cũng như bồi dưỡng, đào tạo cho người kế cận).

Điều 18 có quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Tại khoản 1 quy định tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được đảm bảo một trong các tiêu chí sau, đó là: Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất; thứ hai là suy giảm số lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận; thứ ba là suy giảm biến đổi điều kiện và hình thức thực hành; thứ tư là thu hẹp hoặc biến mất không gian văn hóa liên quan môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các tiêu chí này còn quy định rất chung chung và mang tính chất định tính, khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể và được quy định ở trong luật.

Liên quan đến thanh tra di sản văn hóa, tại Điều 97 dự thảo luật quy định “cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở trung ương để thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra”, khoản 2 thì giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo quy định trên được hiểu là cơ quan thanh tra về di sản văn hóa sẽ được thành lập và thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, tại Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại khoản 10 Điều 3 về cơ cấu tổ chức đã quy định Thanh tra Bộ là tổ chức hành chính giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội dung này. Như vậy, Thanh tra Bộ và cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được quy định tại khoản 1 Điều 97 có phải là một hay không và có trùng lặp về nội dung cũng như chức năng, nhiệm vụ hay không? Nếu là một thì đề nghị ghi rõ luôn là việc thực hiện thanh tra liên quan đến di sản văn hóa thuộc cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sẽ rõ ràng, cụ thể và minh bạch hơn.

Cũng liên quan nội dung này, theo quy định của luật thì cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương. Như vậy, cơ quan này sẽ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa trên phạm vi cả nước thì có hợp lý, có phù hợp và có tính khả thi hay không? Đây là nội dung đại biểu rất băn khoăn vì ở địa phương nội dung thanh tra chuyên ngành này được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định và được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn theo quy định của văn bản liên quan đến cơ cấu, tổ chức của thanh tra. Do đó, đối với nội dung này Ban soạn thảo cần rà soát và nghiên cứu để có quy định thật sự phù hợp và đảm bảo tính khả thi.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Hội nghị, dự thảo Luật sẽ được các cơ quan có liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Kỳ họp thứ 8./.

Hoàng Ngọc Hoa, Chuyên viên Phòng Công tác Quốc hội
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP