Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

( Cập nhật lúc: 17/11/2020  )

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều ngày 16/11, Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bà Hồ Thị Kim Ngân, Giám đốc Sở Tư pháp, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận hội trường chiều ngày 16/11

Thứ nhất, về cấp biển số xe thông qua đấu giá  quy định tại Điều 37 dự thảo Luật, đây là một trong những quy định mới của dự thảo Luật. Bà Ngân cho rằng, việc thực hiện cấp biển số xe theo dự thảo Luật sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức là cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên và cấp biển số thông qua đấu giá. Xuất phát từ hai hình thức cấp biển như vậy sẽ khác nhau về nhiều phương diện (tài sản công, tài sản cá nhân; có thể bị thu hồi, không thu hồi...). Nội dung này cần được đánh giá về nhu cầu, về điều kiện để tổ chức thực hiện, về tác động mà việc thực hiện cấp biển số xe đem lại cho hiệu quả quản lý, nhu cầu người dân trong xã hội; dự thảo Luật và các văn bản giải trình tiếp thu, chưa thể hiện cách thức thực hiện hai hình thức này, chẳng hạn như: Biển số như thế nào thì được thực hiện đấu giá (biển số đẹp, nhưng theo tiêu chí nào), biển số dạng nào thì thực hiện cấp số ngẫu nhiêu; biển số xe được đưa ra bán đấu giá, nhưng không bán được thì xử lý ra sao? Điều kiện của người tham gia đấu giá?... Đây là những vấn đề đặt ra, cần được làm rõ, để có được cái nhìn toàn diện về một nội dung mới, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và trật tự quản lý; ngoài ra, theo báo cáo giải trình tiếp thu, thì Chính phủ sẽ quy định đấu giá biển số được thực hiện thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trong dự thảo Luật và hồ sơ trình chưa thể hiện phạm vi, quy mô, yêu cầu của việc tổ chức đấu giá biển số xe và mức độ đáp ứng của các loại hình tổ chức đấu giá. Do vậy, lý do việc Chính phủ dự kiến giao trực tiếp cho công ty đấu giá chuyên nghiệp mà không phải là giao chung cho Tổ chức đấu giá tài sản chưa được làm rõ.

Thứ hai, về trừ điểm giấy phép lái xe, dự thảo Luật quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng hệ quả của việc trừ điểm trong trường hợp bị trừ hết điểm là thu hồi giấy phép lái xe. Bà Ngân cho rằng, biện pháp quản lý này cũng đang có những tác động đến quyền của người sử dụng giấy phép lái xe. Do vậy, ngoài nội dung quy định về số điểm, vấn đề pháp lý của việc trừ hết điểm thì cần cụ thể ngay trong Luật một số nội dung về nguyên tắc, về căn cứ để trừ điểm.

Việc thu hồi Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm là một trong 4 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 4 Điều 46 dự thảo Luật; về tính chất, trường hợp thu hồi do bị trừ hết điểm và trường hợp “Có hành vi gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe”; “Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp” là không tương đồng. Cụ thể: Việc trừ điểm bắt nguồn từ hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý, điều kiện của người được cấp giấy phép lái xe thì đảm bảo theo quy định. Còn đối với hai trường hợp trên hoặc là do có gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới và sử dụng giấy phép lái xe, hoặc là giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tức là ngay từ đầu đã không đủ điều kiện. Bà Ngân băn khoăn, với tính chất khác nhau, nhưng cùng chung một hệ quả pháp lý là thu hồi Giấy phép lái xe, thì việc thu hồi Giấy phép lái xe trong trường hợp bị trừ điểm có thực sự phù hợp? Do vậy, đề nghị quy định về nội dung này cần hoàn thiện, không chỉ bao gồm việc quy định căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục mà phải giải quyết triệt để những vấn đề liên quan, có như vậy nội dung quy định khi đưa vào thực hiện mới đảm bảo tính đồng bộ.

Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm 06 chính sách có tính chất, phạm vi là Luật chuyên sâu về đảm bảo trật tự  an toàn giao thông, nên sự tác động của dự thảo Luật từ các chính sách đến nhiệm vụ quản lý của các cơ quan chức năng, đời sống xã hội của người dân là rất lớn. Hồ sơ dự thảo Luật đã có những đánh giá về sự tác động của các nội dung, chính sách, tuy nhiên nhiều nội dung đánh giá còn chưa thực sự sâu sắc; chưa có sự đánh giá đầy đủ và toàn diện của tổng thể dự án Luật về bảo đảm trật tự giao thông trên các phương diện, mục tiêu quản lý, nhiệm vụ quản lý, đời sống kinh tế, xã hội... Đặc biệt, đối với một số nội dung mới được điều chỉnh bổ sung làm thay đổi tính chất, cách thức thực hiện nhưng chưa có đánh giá về sự thay đổi đó lên đời sống xã hội, trật tự quản lý.

Đồng thời, nhiều nội dung của Luật đang chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn việc triển khai thực hiện trên thực tế được giao cho Chính phủ và các Bộ ngành thực hiện, dẫn đến khi nghiên cứu, xem xét dự thảo Luật khó hình dung đầy đủ về một nội dung quy định. Bà Ngân đề nghị cần có sự đánh giá toàn diện những tác động của các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật đến đời sống xã hội và công tác quản lý nhà nước; thuyết minh một số nội dung về cách thức thực hiện trên thực tế đối với những quy định mới để giải quyết về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật so với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Thu Thương, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP