Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến, Văn minh, Hiện đại"

( Cập nhật lúc: 20/06/2024  )

Sáng 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp ở Hội trường để thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trước đó các đại biểu đã được xem videoclip về Quy hoạch Thủ đô.

Toàn cảnh phiên họp

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "Văn hiến, Văn minh, Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85% vào năm 2050. Dự báo biến động dân số: Dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người. Thành phần dân số khác (dân số quy đổi) đến năm 2030 khoảng 1.450.000 người; đến năm 2045 khoảng 2.100.000 người và đến năm 2050 khoảng 2.500.000 người…

Về nội dung cụ thể, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị với các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào ngày 28/6/2024.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP