Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 15/5, tại Tổ thảo luận số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã thảo luận tại tổ về: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận với các nội dung:
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Theo quy định của dự thảo luật các văn bản ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực ngay khi được thông qua hoặc từ thời điểm ký ban hành. Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản quy phạm pháp luật giao quy định chi tiết, hoặc kể từ thời điểm có hiệu lực của nội dung được giao. Tuy nhiên, quy định này đã và đang gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong tổ chức triển khai, do cần thời gian để xây dựng văn bản hướng dẫn qua nhiều bước như lấy ý kiến, trình Hội đồng nhân dân, hoàn thiện hồ sơ...Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định thời gian có hiệu lực cụ thể đối với văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành, nhằm đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ.
Tại điểm a khoản 1 Điều 21, dự thảo quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định chi tiết điều, khoản, điểm hoặc nội dung được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: “Trừ các nội dung mà văn bản của cơ quan cấp trên đã quy định rõ thì không cần thiết phải cụ thể hóa lại.”. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu dẫn chứng một số nghị định của Chính phủ, như Nghị định 58 về chính sách lâm nghiệp, đã quy định rõ mức khoán bảo vệ rừng, nhưng địa phương vẫn phải ban hành nghị quyết với nội dung không thay đổi. Điều này gây lãng phí thời gian và làm chậm tiến độ triển khai chính sách. Việc bổ sung quy định nêu trên sẽ giúp các địa phương được áp dụng trực tiếp những quy định rõ ràng, cụ thể của cấp trên mà không phải ban hành thêm văn bản, trừ khi có sự khác biệt về chính sách hoặc mức chi.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 6 vào Điều 71 với nội dung: "Đối với các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã rõ, cụ thể, các cơ quan, địa phương được phép vận dụng và áp dụng trực tiếp mà không cần ban hành thêm văn bản cụ thể hóa, nếu địa phương không có chính sách hoặc mức riêng khác với quy định đó". Đây là quy định có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp các địa phương kịp thời triển khai chính sách, giảm bớt tình trạng chồng chéo, trễ tiến độ, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong thi hành pháp luật.
Tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đề nghị sửa đổi một số nội dung.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới tham gia thảo luận tại Tổ.
Đối với quy định tại khoản 2 Điều 57 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 là hợp lý và cần được giữ nguyên. Theo đó, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tiếp tục có hiệu lực nếu không trái với văn bản mới thay thế, sửa đổi hoặc chưa bị công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Trong thực tế, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn vẫn còn phổ biến, dễ dẫn đến "khoảng trống pháp lý". Việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ giúp đảm bảo tính liên tục trong thi hành pháp luật và tránh gián đoạn do văn bản chưa được ban hành kịp thời. Do đó, đại biểu đề nghị không sửa đổi khoản 2 Điều 57 như trong dự thảo.
Về thẩm quyền phân cấp của UBND cấp xã đại biểu đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra là không nên giao UBND cấp xã quyền tiếp tục phân cấp khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. UBND cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện, không phải cấp có thẩm quyền phân cấp. Việc quy định rõ rằng UBND cấp xã chỉ ban hành văn bản để thực hiện nhiệm vụ được giao, không được tiếp tục phân cấp, sẽ góp phần bảo đảm sự rõ ràng, nhất quán trong tổ chức thực hiện pháp luật.
Đối với nội dung xử lý văn bản sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm một số điểm: Trường hợp xã sau sáp nhập thuộc các huyện khác nhau trước đây thì nghị quyết, quyết định của cấp huyện cũ còn hiệu lực hay không? Quy định về việc UBND cấp xã xác định thời điểm hết hiệu lực của văn bản cấp huyện chưa bao quát đủ phạm vi và lĩnh vực áp dụng; Có sự chưa thống nhất về thời hạn và hiệu lực của văn bản đại biểu cho rằng điều này cần được làm rõ để tránh lúng túng trong thực tiễn áp dụng.
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến như sau: đại biểu đề nghị thận trọng với việc trao thẩm quyền xử phạt, liên quan đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dự thảo luật quy định thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra và trưởng đoàn kiểm tra trong thời hạn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đều được giao quyền xử phạt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc trao thẩm quyền này cần được xem xét hết sức cẩn trọng. Không phải thanh tra viên hay trưởng đoàn nào cũng có đủ thẩm quyền ký văn bản xử phạt hoặc đóng dấu, dẫn đến nguy cơ lạm quyền hoặc thiếu căn cứ pháp lý. Do đó, có ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung này trong luật nếu chưa thật sự rõ ràng và hợp lý.
Một nội dung khác gây tranh luận là Điều 56 của dự thảo luật đã bỏ quy định về nội dung cụ thể của quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với lý do sẽ quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, Điều 58, Khoản 3 lại quy định rõ nội dung chủ yếu của biên bản vi phạm. Điều này gây ra sự thiếu thống nhất giữa hai loại văn bản hành chính. Nếu biên bản vi phạm hành chính có quy định nội dung cụ thể, thì quyết định xử phạt cũng cần tương ứng để đảm bảo tính minh bạch. Vì vậy, đại biểu đề xuất hoặc giữ nguyên Điều 56, hoặc nếu bỏ thì phải bỏ đồng bộ, đưa cả hai vào nghị định hướng dẫn.
Liên quan đến Điều 70 về việc gửi quyết định xử phạt để thi hành, đai biểu băn khoăn về khoản 2 Điểm c, trong đó quy định quyết định xử phạt được coi là đã giao cho cá nhân, tổ chức nếu sau 7 ngày niêm yết công khai tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở. Tuy nhiên, khái niệm "nơi cư trú" chưa rõ ràng: có thể hiểu là nhà riêng, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa hay nơi sinh hoạt cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, người bị xử phạt vắng mặt dài ngày do công tác, chữa bệnh, đi du lịch… thì sẽ không biết có quyết định bị niêm yết. Tại các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, nếu quyết định chỉ được niêm yết tại xã hoặc nhà văn hóa thôn, người dân ở bản xa rất khó tiếp cận. Việc mặc định sau 7 ngày là "đã giao" dễ dẫn đến khiếu kiện, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét kỹ lưỡng quy định này, tránh hiểu nhầm, bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả trong thi hành pháp luật.