Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
( Cập nhật lúc:
29/11/2024
)
Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Điều hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật; hồ sơ dự án Luật; quan điểm xây dựng Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung; việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; bổ sung tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề được giải trình trong dự thảo Luật; hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; giải pháp bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát cùng các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…
Đại biểu cũng đã tham gia góp ý nhiều nội dung cụ thể đối với dự thảo Luật này: Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, dự thảo luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để giám sát. Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4, theo đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Quy định cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử; Qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, đề nghị xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành, cụ thể: Hội đồng nhân dân được quyền giám sát hoạt động của cơ quan trung ương tại địa phương như: Cục thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp… Đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương.
Đối với quy định Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương phải có ít nhất 03 đại biểu là thành viên Đoàn rất khó khả thi. Bởi vì, thực tế đã có thời điểm Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chỉ còn 1 hoặc 2 đại biểu tại địa phương, nếu mời đại biểu từ Trung ương về tham gia giám sát ở địa phương thì sẽ bị động về mặt thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát quy định này cho hợp lý. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ chuyên môn, cung cấp thông tin, kinh phí tổ chức hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát cho ĐBQH khi tiến hành giám sát.
Quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu đề nghị cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương. Những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vận động của kinh tế xã hội, lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề nóng, vấn đề điểm của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật tại kỳ họp
Trước đó, với 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản và với 448/450 đại biểu biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ./.