Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
11/11/2024
)
Chiều 08/11/2024, Quốc hội thảo luận tổ về nhiều nội dung theo chương trình kỳ họp. Tổ thảo luận số 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Kạn, Hưng Yên, Quảng Bình, Ninh Bình. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận.
Theo chương trình, các đại biểu thảo luận tổ về 03 nội dung gồm: (1) Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; (3) Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Trước đó, tại phiên làm việc tại hội trường, các đại biểu đã được nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về các nội dung nêu trên.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận Tổ 12
Tham gia thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung như: Yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định tại Điều 19a dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của những người nổi tiếng có ảnh hưởng cho đầy đủ và từ hiệu quả của việc quảng cáo với hình thức sử dụng âm thanh hiện nay, đại biểu đề nghị bỏ nội dung quy định “việc quảng cáo có sử dụng âm thanh với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo”; về trách nhiệm của các Bộ, nhất là liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần có rà soát và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất giữa quy định tại Điều 5 và khoản 6 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận
Quan tâm đến việc quản lý hóa chất nguy hiểm trên thị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hiện nay việc tìm kiếm và mua hóa chất nguy hiểm (ví dụ như xyanual) khá dễ dàng. Trong khi đó, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cho biết mới chỉ có 04 Điều luật quy định liên quan và chưa có quy định về điều kiện của người mua hóa chất nguy hiểm, do đó sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho đầy đủ và bên bán phải lưu giữ được thông tin của người mua để có thể truy suất được; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hóa chất tại các địa điểm mua bán cho đầy đủ.
Cùng quan tâm đến nội dung dự thảo Luật này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa vào nội dung bị cấm đối với hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; về trách nhiệm của các Bộ, ngành được quy định trong từ Điều 79 đến Điều 85, đại biểu cho rằng các nội dung với hình thức liệt kê chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành và chưa đầy đủ, đề nghị xem xét gom lại các nội dung quy định này và rà soát bổ sung các nhiệm vụ cho đầy đủ…
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy, tán thành với sự cần thiết, mục tiêu của chương trình, nhất là với 3 mục tiêu được xác định cụ thể trong chương trình. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần rà soát thêm nội dung của chương trình với các chương trình mục tiêu hiện hành để tránh trùng lặp; liên quan đến chỉ tiêu về giảm cầu, đại biểu đề nghị nâng cao hơn tỷ lệ thực hiện để đảm bảo đúng mục đích của chương trình; về chỉ tiêu giảm tái nghiện đề nghị đánh giá thêm về kết quả thực hiện hiện nay như thế nào để đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu phù hợp…
Các nội dung trên sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường./.