Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tại Tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

( Cập nhật lúc: 06/05/2025  )

Sáng ngày 05/5, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.


Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.

Tổ thảo luận 11 (gồm đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long) do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.

Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, kết luận quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW. Nội dung này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), đã bày tỏ quan điểm đồng tình cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đại biểu nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, việc sửa đổi lần này tập trung vào hai nhóm nội dung lớn: Thứ nhất là các quy định liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp, nhằm thể chế hóa rõ hơn vai trò của các tổ chức này trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các chủ trương lớn của Đảng đã được xác lập trong thời gian qua. Thứ hai là việc sửa đổi các quy định tại Chương IX của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời có quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết và ý nghĩa lớn của việc sửa đổi Hiến pháp lần này trong việc thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Việc sửa đổi không chỉ góp phần hoàn thiện thể chế mà còn củng cố nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.

Liên quan đến phạm vi và định hướng sửa đổi, đại biểu cho biết với 8 trên tổng số 120 điều được đề xuất chỉnh sửa trong dự thảo, có thể thấy phạm vi sửa đổi là chọn lọc, trọng tâm, có tính toán kỹ lưỡng. Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với thành phần gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, theo đại biểu là phù hợp. Thành phần này đảm bảo sự đại diện đầy đủ, cân đối giữa các khối, các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để việc sửa đổi được triển khai hiệu quả, đúng hướng.

Về kế hoạch và hình thức tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đặc biệt là tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông để đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến, bảo đảm mọi tầng lớp Nhân dân, dù ở vùng sâu, vùng xa, đều có thể tiếp cận và tham gia đóng góp ý kiến một cách thuận tiện. Đồng thời, đề nghị việc tiếp thu ý kiến của người dân cần phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan, có hệ thống, tránh hình thức, bảo đảm mọi ý kiến góp ý đều được lắng nghe, phân tích, tổng hợp và tiếp thu hợp lý, thuyết phục, để việc lấy ý kiến Nhân dân thực sự hiệu quả.

Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tin tưởng rằng quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ diễn ra chặt chẽ, minh bạch, khoa học và dân chủ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Nguyễn Thêm- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tin cùng chuyên mục


Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(05/05/2025)

Họp phối hợp thông tin, tuyên truyền hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(28/04/2025)

Phỏng vấn đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(28/04/2025)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với các cơ quan địa phương trước khi tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(24/04/2025)

Đoàn đại biểu Quốc hội và Công an tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo trao đổi, cung cấp thông tin, lấy ý kiến một số dự án Luật được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(24/04/2025)

Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031(18/04/2025)

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Lục Bình, huyện Bạch Thông(15/04/2025)

Cử tri đề nghị xem xét hỗ trợ nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân (14/04/2025)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp xúc cử tri tại huyện Pác Nặm(12/04/2025)

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV tại huyện Chợ Mới(12/04/2025)

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP