Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 28/05/2022  )

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trong phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật nêu trên.

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều (giảm 01 chương và 03 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 07 điều, bãi bỏ một số quy định tại 09 điều và giữ nguyên 33 điều.

Cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật.  Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đối với hai vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu phương án về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan và về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đã được đại biểu Quốc hội tích cực thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia ý kiến đối với dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ sự tán thành cao đối với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan tại Điều 3, đại biểu Huế đề nghị giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đồng thời, tiếp tục quy định về việc áp dụng Bộ luật Dân sự và áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Điều 15 của dự thảo Luật và chỉnh sửa tên điều cho phù hợp. Đại biểu Huế cũng tham gia ý kiến đối với các quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe tại khoản 2 Điều 34; quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại tại khoản 3 Điều 44; về hình thức bồi thường tại Điều 52, một số nội dung tại Điều 22 về trách nhiệm cung cấp thông tin.

Các đại biểu cũng tham gia ý kiến liên quan đến điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, về thay đổi mức độ rủi ro bảo hiểm, về thanh tra hoạt động bảo hiểm, một số nội dung giải thích từ ngữ,…

Trong quá trình thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình kỳ họp./.

Lục Thúy
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP