Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
29/05/2024
)
Chiều 28/5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định điều hành phiên thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật.
Trong phiên họp này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ này có 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều). Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về các chính sách có liên quan.
Cơ bản các ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Một số vấn đề lớn được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận như: nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô. Đại biểu đề nghị cần thiết giao quyền chủ động cho Thành phố Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn; chú trọng đầu tư, phát triển Thủ đô Hà Nội như một đơn vị hành chính đặc biệt…
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng các điều khoản để tránh xung đột với các quy định hiện hành; nghiên cứu có những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực; cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao…
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội bấm nút thông qua tại đợt 2 của kỳ họp./.