Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 21/06/2023  )

Chiều ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên họp thảo luận tổ gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu 

Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Tại phiên thảo luận, với gần 20 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và của các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lỷ dự thảo Luật; đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách đề nghị tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 cần phải đối chiếu với Bộ Luật dân sự 2015 để thống nhất các quy định về “tài sản hiện có”, “tài sản đã hình thành”, “chủ thể đã xác lập quyền sở hữu”, “quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch”... vì khái niệm trong dự thảo Luật không nói đến quyền sở hữu, do đó chưa rõ về quyền sở hữu liên quan đến tài sản hiện có.  Đề nghị có khái niệm thống nhất trong các văn bản quy định pháp luật. Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét lại nội dung quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo về “Các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nhưng phải tuân thủ điều kiện về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này...”. Tuy nhiên, điểm a khoản 2 Điều 10 quy định điều kiện với cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản là phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Vậy nếu quy định như khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật sẽ hiểu là trường hợp cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc khoản 3 Điều 10 sẽ không phải đáp ứng điều kiện đầy đủ năng lực hành vi dân sự nữa? Như vậy, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 và người mất năng lực hành vi dân sự vẫn thực hiện được các giao dịch trên. Trong khi nội dung của điểm đ khoản 3 Điều 10 lại gắn với “quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp”. Do đó, cần quy định để có cách hiểu thống nhất tại hai khoản này để tránh mâu thuẫn.

 Liên quan đến đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng đại biểu Ngân cho biết tại khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật quy định: “Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để sử dụng, được thuê nhà ở để sử dụng. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, thuê, thuê mua công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình xây dựng”. Theo quy định trên, đối tượng là  người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để sử dụng, được thuê nhà ở để sử dụng. Đối chiếu với điểm b khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thì “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, được mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản”, theo quy định này, đối tượng này còn có cả quyền được “thuê mua nhà ở thương mại” và tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để sử dụng, được thuê nhà ở để sử dụng. Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 19 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thì đối tượng này có cả quyền được “thuê mua nhà ở”. Khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật kinh doanh bất động sản quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang trong thời hạn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam được mua, thuê nhà ở để sử dụng; được thuê nhà ở để kinh doanh theo quy định của Luật này…”, theo quy định này, đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang trong thời hạn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam “được mua, thuê nhà ở để sử dụng; được thuê nhà ở để kinh doanh”. Đối chiếu với quy định tại Điều 19 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thì đối tượng này có cả quyền được “thuê mua nhà ở”. Với các nội dung còn chưa thống nhất như vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại hai dự thảo Luật nhằm đảm bảo quy định đầy đủ, thống nhất.

Nguyễn Thêm, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP