Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, để triển khai Chương trình giám sát năm 2022, nhiều hoạt động đã được chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để phù hợp với tình hình. Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bắc Kạn đã có cuộc trao đổi với Trang Thông tin đại biểu dân cử tỉnh Bắc Kạn (TTT).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế
TTT: Thưa đại biểu, tại Phiên họp tháng 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của 04 đoàn giám sát chuyên đề và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế. Theo đại biểu, việc lựa chọn các chuyên đề giám sát này có ý nghĩa như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế:
Giám sát là một trong những chức năng nhiệm vụ của Quốc hội được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Thời gian qua Quốc hội luôn chú trọng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ này. Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Khóa XV đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Do đó, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, lựa chọn các chuyên đề giám sát bám sát thực tiễn nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022”, theo đó các thành viên phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến trung thực, khách quan của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của Nhân dân; Đoàn đại biểu Quốc hội cũng cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân tỉnh và phải có cách làm hết sức linh hoạt.
Năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 04 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 02 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 02 cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cả 04 chuyên đề giám sát trên đều là những chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng, rất đúng, rất trúng, phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với mục đích là qua giám sát phát hiện được nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn cũng như những vướng mắc trong triển khai thực hiện các văn bản tại địa phương, để từ đó chỉ rõ trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, dưới sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã sớm quyết định thành lập Đoàn giám sát và xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo để tiến hành giám sát chuyên đề tại địa phương. Đây là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của việc thực hiện các chuyên đề giám sát.
TTT: Đại biểu có thể chia sẻ về hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và việc tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế:
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và từ yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tổ chức lựa chọn chuyên đề, xây dựng kế hoạch và các hình thức tổ chức giám sát linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Theo phân công của lãnh đạo Đoàn, tôi và các vị ĐBQH trong Đoàn đã sắp xếp thời gian, chủ động nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia các cuộc giám sát do Đoàn chủ trì tại địa phương.
Năm 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, giám sát, qua đó tạo điều kiện cho các ĐBQH thu thập được nhiều thông tin từ thực tiễn để phục vụ giám sát các vấn đề Quốc hội xem xét tại các kỳ họp, như khảo sát tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Tại các kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo Đoàn đã định hướng, phân công các đại biểu trong Đoàn nghiên cứu các vấn đề theo chương trình từng kỳ họp để chuẩn bị nội dung thảo luận, cho ý kiến đối với các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến của từng đại biểu về việc lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước được cử tri quan tâm để đề xuất Quốc hội chất vấn và đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, để sớm triển khai Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay từ Quý IV năm 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức 02 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo Chương trình giám sát đã ban hành, trong năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập trung tiến hành giám sát 04 chuyên đề, trong đó có 02 chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 02 chuyên đề theo chương trình riêng của Đoàn về việc quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn, tôi và các ĐBQH trong Đoàn cũng thường xuyên thực hiện quyền giám sát của mình đối với chính quyền địa phương thông qua việc xem xét các báo cáo của HĐND, các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; qua việc tham gia tiếp công dân và theo dõi việc xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh của cử tri của các cơ quan chức năng có thẩm quyền... Trong thời gian tới, nếu được lãnh đạo Đoàn phân công tham gia các Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát tại địa phương, tôi sẽ tích cực phối hợp làm tốt vai trò người đại biểu trước cử tri và Nhân dân.
TTT: Qua thực tiễn giám sát của Đoàn, đại biểu có đề xuất, kiến nghị những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại địa phương trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế:
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và thực hiện “Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong thười gian tới tôi mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Một là, các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận sau giám sát.
Hai là, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu; nghiêm túc thực hiện các kiến nghị sau giám sát theo kết luận của các Đoàn giám sát.
Ba là, đề nghị Quốc hội quan tâm nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát cho đại biểu như việc lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát; chuẩn bị các công cụ giám sát hiệu quả; minh chứng thuyết phục cho nhận định, đánh giá, làm rõ các vấn đề được giám sát…
Mỗi đại biểu Quốc hội đều đóng góp vai trò, trách nhiệm vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, do đó cần tăng cường bám sát cơ sở, tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để nắm bắt, chắt lọc thông tin, phân tích, đánh giá các vấn đề cần thiết, nhất là các vấn đề bức xúc được nhân dân và cử tri nêu lên để có cơ sở cho hoạt động giám sát.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!