Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031
( Cập nhật lúc:
18/04/2025
)
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra trong sáng ngày 16/4, thực hiện phân công của Bộ Chính trị, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có định hướng quan trọng về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội trường Diên Hồng
Trong Báo cáo chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031" do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày tại Hội nghị cho thấy: Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đổi mới Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Do đó, cuộc bầu cử sẽ sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và dự kiến phiên họp thứ nhất của Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 06/4/2026.
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; Đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.
Về số lượng đại biểu HĐND sẽ căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, trong đó:
Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì có 02 Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Ở cấp xã, cơ cấu đại biểu chuyên trách ở Hội đồng nhân dân dự kiến là 01 Phó Chủ tịch và 02 Phó trưởng Ban.
Về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp: Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10% ở từng cấp; đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%; đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ và bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.
Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học, công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật và đặc biệt phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.
Để thực hiện tốt công tác bầu cử, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các Ban đảng ở Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng dẫn thực hiện.