Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phỏng vấn Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

( Cập nhật lúc: 19/10/2023  )

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 23/10, bế mạc vào ngày 29/11/2023 và chia thành 02 đợt họp tập trung. Trang Thông tin đại biểu dân cử tỉnh (TTTĐBDC) Bắc Kạn đã có cuộc phỏng vấn bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn về nội dung chương trình kỳ họp và công tác chuẩn bị của Đoàn ĐBQH tỉnh trước khi tham dự kỳ họp này.


Bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn

TTTĐBDC: Xin bà cho biết các nội dung chủ yếu nào sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 sắp tới?

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh: Cũng như các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 08 dự án luật. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và thông qua có một số dự án Luật có phạm vi ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thứ hai, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, có đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét các báo cáo công tác tư pháp; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

TTTĐBDC: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xin bà có thể thông tin thêm với cử tri về nội dung này?

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh: Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nhằm thể chế hóa quy định này, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là một hoạt động quan trọng của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội. Thông qua hoạt động này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay tại đợt họp đầu tiên của kỳ họp. Các chức vụ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

TTTĐBDC: Xin bà cho biết để chuẩn bị nội dung tham dự kỳ họp thứ 6 sắp tới Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai những hoạt động gì trong thời gian qua?

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh: Với khối lượng lớn công việc của kỳ họp thứ 6, để Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH khóa XV của tỉnh có nhiều thông tin từ thực tiễn, từ đó có cơ sở nghiên cứu, tham gia ý kiến, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung triển khai nhiều nội dung, nhiều hoạt động tại địa phương như: Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị địa phương và cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH đối với các dự án luật; tổ chức khảo sát lấy ý kiến đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến…; tổ chức cho các vị ĐBQH tỉnh TXCT trước kỳ họp, theo đó mỗi cá nhân ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 2 - 3 điểm cụm xã, qua đó nắm bắt được nhiều thông tin, ý kiến cử tri từ cơ sở.

Cũng giống như các kỳ họp trước, Đoàn cũng đã có buổi làm việc với TT HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành địa phương trước kỳ họp và đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan cấp tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của trung ương cần được tháo gỡ.

Đoàn cũng đã làm việc với các cơ quan tư pháp và một số cơ quan liên quan để lấy ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao được trình tại kỳ họp này.

Trước đó, các hoạt động giám sát, khảo sát cũng đã được của Đoàn tổ chức thực hiện. Từ những hoạt động đó của Đoàn tại địa phương sẽ là chất liệu thực tiễn để các vị ĐBQH tham khảo, nghiên cứu đưa vào nội dung phát biểu tại kỳ họp sắp tới

TTTĐBDC: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, với nhiều nội dung sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận như vậy, xin bà cho biết một số nội dung trọng tâm được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm chuyển tải đến Quốc hội tại kỳ họp này?

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh: Xuất phát từ tình hình thực tiễn tại địa phương, từ các ý kiến kiến nghị của cử tri, với tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, từng vị ĐBQH sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, có ý kiến đối với từng nội dung tại kỳ họp, trong đó nhấn mạnh, tập trung đề xuất một số giải pháp, kiến nghị liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng song song với quyền lợi của người dân địa phương trong giữ rừng; việc thể chế hóa Kết luận số 61 KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông…

Căn cứ vào chương trình kỳ họp, các nội dung về những khó khăn, vướng mắc trong điều hành phát triển KT-XH cũng sẽ được các vị ĐBQH chuyển tải tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, cùng với những kiến nghị liên quan đến khắc phục, hoàn thiện về cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành còn mâu thuẫn, chồng chéo khó triển khai trong thực tế.

TTT: Xin trân trọng cảm ơn bà đã có những chia sẻ về nội dung chủ yếu trong chương trình kỳ họp và công tác chuẩn bị của Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP