Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những thách thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri

( Cập nhật lúc: 10/06/2021  )

Tiếp xúc cử tri là hoạt động thường xuyên của đại biểu dân cử, nhằm đảm bảo quyền giám sát của cử tri, được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh TXCT tại xã Quân Bình, huyện Bạch Thông 

Khi tiếp xúc cử tri, đại biểu có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và hoạt động của cơ quan dân cử (Quốc hội hoặc HĐND các cấp), đồng thời tiếp thu, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Việc tiếp xúc cử tri trước hay sau mỗi kỳ họp đều có những thách thức không nhỏ đối với đại biểu dân cử - những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương nơi bầu ra mình.

Cử tri là một danh từ chung dùng để chỉ tất cả những công dân có quyền bầu cử, vì vậy trách nhiệm “liên hệ chặt chẽ” với cử tri nơi bầu ra mình chỉ được bảo đảm khi đại biểu “thường xuyên tiếp xúc” với đầy đủ các thành phần cử tri của địa phương. Tuy nhiên, phần lớn cử tri đến dự các cuộc tiếp xúc đều là cán bộ cơ sở, trong khi đối tượng quan trọng cần được đại biểu báo cáo và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng lại là những người dân - Đây chính là thách thức thứ nhất trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Nhìn chung, cán bộ cơ sở đến dự tiếp xúc cử tri đều có tinh thần trách nhiệm cao, họ cũng thường đại diện cho tiếng nói của một bộ phận người dân, song đôi khi tính “đại diện” này quá thường xuyên, vô hình chung đại biểu dân cử sẽ không thực hiện được trách nhiệm “liên hệ chặt chẽ” với đại đa số cử tri bầu ra mình. Để thực hiện được việc này, cần tăng sức hấp dẫn của các cuộc tiếp xúc cử tri nhằm thu hút thêm những thành phần cử tri khác cùng tham dự. Điểm hấp dẫn của các cuộc tiếp xúc cử tri không chỉ ở nội dung đại biểu báo cáo, giải trình về các quyết sách của Quốc hội, HĐND mà quan trọng là việc cử tri được nghe kết quả giải quyết các ý kiến cử tri đã kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc trước, nhất là khi kết quả giải quyết các kiến nghị này đáp ứng được nguyện vọng của họ. Việc này đòi hỏi các vị đại biểu phải có bản lĩnh đôn đốc, theo đuổi đến cùng việc xem xét, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với những ý kiến kiến nghị của cử tri, nhất là những kiến nghị chưa được giải quyết thấu đáo. Chỉ khi cử tri coi đại biểu dân cử là chỗ dựa, là nơi tin tưởng để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng thì các cuộc tiếp xúc sẽ thu hút được đông đảo các thành phần cử tri tham dự.

Thách thức thứ hai là việc đại biểu báo cáo về hoạt động của cơ quan dân cử và kết quả thực hiện chương trình hành động của mình khi vận động ứng cử với cử tri. Hiện nay, với tốc độ truyền tin của hệ thống truyền thông hiện đại, làm thế nào để không nói lại những điều mà cử tri đã nghe, đã xem, đã biết khá đầy đủ, kịp thời qua các cơ quan truyền thông, báo chí. Nếu không, việc thu hút được sự quan tâm của người dân đối với các cuộc tiếp xúc cử tri là điều không dễ. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là thông tin mà các vị đại biểu cung cấp phải khác với thông tin mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh. Điểm khác này chính là những thông tin mà các phương tiện truyền thông, báo chí không thể cung cấp được. Đó chính là những vấn đề mấu chốt, gợi mở để cử tri đóng góp ý kiến, là sự lý giải tại sao Quốc hội hoặc HĐND các cấp lại quyết định như thế này mà không phải như thế khác. Đây là công việc khó khăn hơn so với việc báo cáo kết quả kỳ họp rất nhiều, bởi vì chỉ có người trong cuộc được tham gia bàn bạc, thảo luận, quyết định mới nắm rõ được những thông tin quý giá này, hơn nữa nó đòi hỏi phải có kỹ năng chọn lọc, tổng hợp, lập luận, thuyết phục và định hướng dư luận. Thông thường, các vị đại biểu sẽ chọn lọc những vấn đề cử tri quan tâm hoặc có quan hệ mật thiết với cử tri ở từng địa phương để báo cáo; đưa ra lý lẽ lập luận thuyết phục, bảo vệ cho các quyết sách mình đã đại diện biểu quyết, trong đó phải chứng minh, giải trình được với cử tri rằng mình đã thực hiện quyền đại diện có lợi nhất cho nước, cho dân. Có như vậy mới khẳng định được vị thế của đại biểu và thu hút được cử tri khi nghe đại biểu báo cáo.

Bên cạnh đó, việc báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động của các vị đại biểu khi vận động bầu cử cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri. Chương trình hành động của mỗi vị đại biểu khi vận động bầu cử đều thể hiện tâm huyết, năng lực và trách nhiệm cao. Mỗi lời hứa đều là cơ sở quan trọng để cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, đồng thời là cơ sở để hàng năm cử tri đánh giá tín nhiệm đại biểu. Do đó, việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả những nội dung đã cam kết trước cử tri là áp lực không nhỏ đối với mỗi đại biểu khi trúng cử. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu phải có lộ trình và những cách làm cụ thể để những cam kết nhanh chóng biến thành hành động và việc làm thực tiễn, mang lại niềm tin cho cử tri. Bởi kết quả thực hiện những cam kết này chính là tinh thần “nói đi đôi với làm” và sự tôn trọng lời hứa của mình trước cử tri, qua đó khẳng định được mức độ tín nhiệm của từng đại biểu cũng như vị thế của cơ quan dân cử trong lòng nhân dân.

Với mong muốn hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng đạt hiệu quả cao, dưới góc nhìn của một cử tri xin đưa ra đôi điều suy nghĩ./.

Ái Vân, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục


Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tổ chức phiên họp thứ 57(09/06/2021)

Những đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khóa XIV (31/05/2021)

Hiệu quả công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021(29/05/2021)

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV(13/04/2021)

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội(12/04/2021)

Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao(30/03/2021)

Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ(29/03/2021)

Thảo luận tại tổ 4: Các kết quả nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIV sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV(28/03/2021)

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội(28/03/2021)

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp xúc cử tri tại huyện Pác Nặm và huyện Ba Bể(11/03/2021)

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP