Ngày làm việc thứ 4 theo hình thức trực tuyến của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
( Cập nhật lúc:
25/10/2021
)
Ngày 24/10/2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 4 theo hình thức trực tuyến. Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi) và thảo luận tại Tổ về 02 nội dung này; buổi chiều cùng ngày Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp và bắt đầu tiến hành phiên thảo luận trực tuyến.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tại phiên làm việc buổi sáng, qua thảo luận cơ bản các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bên cạnh đó, còn một số vấn đề các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định đối tượng, tiêu chuẩn một số hình thức khen thưởng chưa phù hợp, một số hình thức khen thưởng cao nhưng tiêu chuẩn lại thấp; thẩm quyền xét khen thưởng còn bất cập, chưa hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp hơn như quy định về tiêu chuẩn khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được của tập thể đối với Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; điều chỉnh tiêu chuẩn tặng Huân chương Quân công cho cá nhân tương ứng với tiêu chuẩn Huân chương Độc lập và không ngang bằng với tiêu chuẩn của Huân chương Chiến công…Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp với Chính phủ tổ chức các hội thảo, xin ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động đối với nội dung bổ sung mới trong dự thảo Luật lần này đó là hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách cũng đồng tình với một số nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo như: bổ sung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, đột xuất và bỏ quy định về thời gian 05 năm xét tặng một lần; bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn đối với xét tặng danh hiệu doanh nhân, doanh nghiệp tạo cơ sở vững chắc, chặt chẽ và hợp lý hơn. Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ thêm cơ sở của việc đổi tên đối với hình thức khen thưởng “Gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản văn hóa” thành “Gia đình tiêu biểu|, “thôn, làng, ấp, bản tiêu biểu”. Đối với danh hiệu “Xã tiêu biểu”, đại biểu Ngân đề nghị bổ sung tiêu chuẩn: đại đoàn kết dân tộc đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và tiêu chuẩn giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới, tình hữu nghị đối với các xã biên giới cho phù hợp…
Bên cạnh các nội dung góp ý đối với dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát và chỉnh sửa một số nội dung trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất và khả thi, chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản trong dự thảo Nghị định để đảm bảo tính quy phạm, tính thống nhất trong toàn bộ văn bản cũng như với các luật khác có liên quan…
Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị cần quy định rõ một số nội dung như: Trách nhiệm của đạo diễn quy định tại Điều 12, trách nhiệm của những người phổ biến phim truyền hình tại Điều 21; trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và phân loại phim trong tư vấn để không vi phạm các quy định tại Điều 10 dự thảo Luật.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Huân, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim truyền hình và Hội đồng thẩm định đối với tác phẩm điện ảnh, các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định phải bảo đảm tính tương đồng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá cụ thể, đầy đủ hơn việc mở rộng các hoạt động đầu tư của Nhà nước quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 và quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 5.
Buổi chiều, các đại biểu nghe và thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến và báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Theo chương trình kỳ họp, nội dung này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến trong cả ngày 24/10/2021.