Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 21 ngày (từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022) và được họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Toàn cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Về công tác xây dựng pháp luật: Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu 7 dự án luật khác. 6 luật được Quốc hội thông qua gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang kỳ họp kế tiếp và cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật, là: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
Trong các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến có một số luật, nghị quyết được cử tri đặc biệt quan tâm, như:
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung hành vi “đe dọa, chì chiết, kỳ thị, phân biệt về giới”, bỏ mặc, không nuôi dưỡng, không chăm sóc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phân biệt đối xử năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cô lập, giam cầm thành viên gia đình tại chỗ ở hợp pháp… là hành vi bạo lực gia đình. Bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Đặc biệt, bổ sung quy định mới: Người có hành vi bạo lực gia đình phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác...
Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rõ việc thành lập cơ quan thanh tra: Theo cấp hành chính, bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Theo ngành, lĩnh vực, bao gồm: Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ và tương đương; Thanh tra sở. Ngoài ra cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Điểm mới nhất so với trước đây là chế định Thanh tra nhân dân quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 được chuyển sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với quy định Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Luật đã có nhiều quy định mới về quyền, nghĩa vụ của công dân, CBCCVC người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung quy định về việc chính quyền địa phương cấp xã và người sử dụng lao động phải công khai; các hình thức, thời điểm công khai thông tin trong đó có các hình thức, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với đặc điểm tình hình khu vực, vùng miền.
Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 66 Điều, trong đó bổ sung mới 20 Điều, sửa đổi 44 Điều và hủy bỏ 07 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành. Những nội dung mới được bổ sung thêm như: Quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin gắn với trách nhiệm của đối tượng báo cáo; về đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; về báo cáo giao dịch đáng ngờ; về các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán, dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tính đồng bộ, thống nhất của Luật với các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác/bên thứ ba, lưu trữ thông tin tại Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá được Quốc hội thông qua nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân, qua đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen. Biển số xe ô tô không được lựa chọn để đấu giá và đấu giá không thành được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý để đăng ký theo quy định. Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40.000.000 đồng với hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến. Người trúng đấu giá biển số xe ô tô được quyền giữ lại biển số xe ô tô trúng đấu giá trong trường hợp xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và được thực hiện thí điểm trong 03 năm.
Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Đây là Luật có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến người dân, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến quy định đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Sau khi xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị những nội dung mới được đề nghị bổ sung một cách kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện dự thảo luật.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận lần đầu về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung mới sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế xác định giá đất, chính sách tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai…
Về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội và Ngân sách nhà nước: Năm 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là: 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (tương đương 4,42% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng. Trong đó, Quốc hội giao tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 822 tỷ đồng (thu nội địa 800 tỷ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 22 tỷ đồng), tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 4.714,9 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023: Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tập trung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về hoạt động giám sát tối cao: Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Các vị đại biểu Quốc hội nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trong thời gian tới. Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật đã ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn; tập trung xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với các lĩnh vực trọng yếu như: năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Quốc hội xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2022. Qua đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, tài chính, tài sản, đất đai, xây dựng cơ bản thông qua đấu thầu, đấu giá; quản lý thuế, giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; Có giải pháp hạn chế phát sinh vi phạm và tội phạm trong một số lĩnh vực nổi lên trong thời gian qua, tiến tới không để xảy ra trường hợp đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có giải pháp căn cơ để xử lý theo quy định các vụ án tạm đình chỉ điều tra, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, đồng thời, tránh khả năng gây oan, sai, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Cũng trong Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận rất cao. Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể; bầu ông Ngô Văn Tuấn giữ chức vụ Tổng Kiểm toán nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết định chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho CBCCVC lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công đảm bảo không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp, đã khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực cao của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của kỳ họp và trong phát biểu bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thêm một lần nữa nhấn mạnh: Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân cả nước, sự phối hợp của Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.