Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Công tác lập pháp được xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng
Tại kỳ họp, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp, theo đó đã xem xét, thông qua 07 luật gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trong số các dự án luật xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 3, nhưng đây là dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất; các dự thảo Nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật cũng cần hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành.
Quốc hội cũng cho ý kiến lần 2 đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Song đây cũng là dự án Luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội nên Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Luật.
Quốc hội đã thông qua 09 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết quan trọng là: (1) Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; (2) Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Trong đó, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, đồng thời tháo gỡ nút thắt, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Theo Nghị quyết này, Tỉnh Bắc Kạn sẽ là cơ quan chủ quản thực hiện dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang - là 1 trong 10 dự án được thực hiện thí điểm cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng nguồn ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác. Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn cũng thuộc Danh mục dự án đường cao tốc, đường quốc lộ được áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện thí điểm trong Nghị quyết này.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV
Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu yêu cầu Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết; kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,4% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.
Từ ngày 01/7/ 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở; đồng thời, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Trong Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác như: Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện; cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại điểm a mục 1.3 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15; thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a, khoản 1.1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Hoạt động giám sát tối cao giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật
Ngay trong ngày đầu của Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả có 02/44 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao" từ 90 % trở lên; 39/44 người (bằng 88,64% tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm) có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao" đạt từ 50% trở lên; 06/44 (bằng 13,63 tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm) có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp" từ 10% trở lên. Không có người được lấy phiếu tín nhiệm có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%.
Trong kỳ họp, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Tổng cộng đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ (gồm 03 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Từ những ý kiến chất vấn về việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng, việc thực hiện Chương trình viễn thông công ích của ĐBQH tỉnh ta, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua đã nêu rõ yêu cầu: “Giải quyết triệt để việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng trong Quý I năm 2024; nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách; phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, tạo việc làm, sinh kế dưới tán rừng”; “Bố trí đủ nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” và “Phấn đấu trong năm 2024, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo; ưu tiên thực hiện đối với 178 thôn chưa có sóng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn”.
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024; thông qua chủ trương đầu tư và giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2023; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Căn cứ trên kết quả giám sát, Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Chương trình nghị sự khổng lồ của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp. Đánh giá cao kết quả kỳ họp, trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung và đều là những vấn đề khó, phức tạp, nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao.”