Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiến nghị của Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn: Cần tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển KTXH vùng miền núi phía Bắc

( Cập nhật lúc: 09/11/2021  )

Chiều 08/11/2021, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đã tham gia thảo luận và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp để tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh cũng như vùng miền núi phía Bắc.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, để đạt được các mục tiêu KT-XH đã đề ra thì cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương đặc biệt là về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư. Tuy nhiên, qua thực tiễn đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đã chỉ ra những quy định cụ thể đang là trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển.

Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha và tại Điều 14 quy định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Còn trong Nghị định số 83//2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp. Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, không phân biệt diện tích.

Đối với các tỉnh miền núi, có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tự hạ tầng giao thông, không tránh khỏi việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng tự nhiên. Quá trình thực hiện thủ tục kéo dài, nhiều Bộ ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư, vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác không phân biệt quy mô diện tích đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20ha đối với các công trình, dự án khác (dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông sử dụng ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách).

Thứ hai, về thẩm quyền bảo vệ và phát huy di tích danh lam thắng cảnh. Đại biểu Ngân cho biết, Di tích danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012, với diện tích khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II bảo vệ là 10.048 ha. Trong diện tích này có các hộ dân sinh sống từ hàng trăm năm trước khi di tích được xếp hạng, hiện nay, nhà ở xuống cấp, không đảm bảo an toàn có nguyện vọng cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở và xây dựng các công trình phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cải tạo, xây mới phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đối với Khu vực bảo vệ I và của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với Khu vực bảo vệ II theo quy định tại Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009. Do đó, chính quyền địa phương không có cơ sở cấp phép xây dựng, vướng mắc này kéo dài trong nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân.

 Để tháo gỡ khó khăn, bà Ngân đề nghị Chính phủ xem xét, trình sửa đổi quy định này theo hướng phân cấp cho các Bộ, ngành chuyên môn đối với trường hợp đặc biệt có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích Khu vực bảo vệ I và phân cấp cho chính quyền địa phương đối với Khu vực bảo vệ II để địa phương chủ động trong giải quyết các trường hợp xây dựng không phép, trái phép, không đúng quy định, đảm bảo việc xây dựng công trình không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Đồng thời, đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31, Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng phân cấp cho chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã phù hợp với quy hoạch được duyệt.       

Thứ ba, theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, là năm kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách, chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về NSTW, còn lại 47 tỉnh phải nhận bổ sung cân đối từ NSTW. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN hạn hẹp và dự báo khả năng dư địa tăng thu ở địa phương không nhiều, nên NSTW tiếp tục phải hỗ trợ các địa phương chưa thể tự cân đối ngân sách. Đồng thời, giai đoạn tới, Chính phủ triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG, cũng như thực hiện các chính sách, dự án mang tính chất quốc gia khác như Đường cao tốc Bắc - Nam, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19... đòi hỏi cần chủ động cân đối đảm bảo tập trung nguồn lực NSNN, đảm bảo NSTW đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ, tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia. Bà đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật NSNN, đổi mới phân cấp NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong thúc đẩy phát triển vùng. Kết hợp rà soát, sửa đổi Luật NSNN với đi đôi sửa đổi đồng bộ với Luật Chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn quyền và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, qua đó tăng tính chủ động và trách nhiệm của địa phương.

Thứ tư, về việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tuyến đường này là trục xương sống quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các tỉnh và vùng Đông Bắc; là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối từ các tỉnh: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng nhằm đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời góp phần bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, bảo vệ phên giậu của Tổ quốc phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu Việt Bắc.

Cuối ngày thứ nhất của phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đăng đàn để giải đáp một số kiến nghị của các ĐBQH.

Theo Nghị trình, Quốc hội sẽ dành cả ngày 09/11 để tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH, NSNN và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP