Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

( Cập nhật lúc: 13/01/2022  )

Trước yêu cầu cấp thiết của đất nước, căn cứ các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và trên cơ sở công tác chuẩn bị của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, khai mạc trọng thể vào ngày 04/01/2022 và tổ chức theo hình thức trực tuyến cả kỳ họp từ Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước.


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Sau 4,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp đã thể hiện được sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp; sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp; khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.

Kỳ họp đã xem xét, thông qua 01 luật và quyết định 04 vấn đề lớn sau:

Một là, Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Luật có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.

Hai là, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tài khóa bao gồm chính sách miễn, giảm thuế, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư cho xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19; cấp tối đa 5.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Về chính sách tiền tệ, Nghị quyết yêu cầu điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động. Ngoài ra, sẽ sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Quốc hội cũng quyết định áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025).

Ba là, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với quy mô khoảng 729 km từ Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng, chia thành 12 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Dự kiến tuyến đường sẽ thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Bốn là, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân trong trạng thái bình thường mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Thực hiện xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch với các biện pháp thích hợp

Trong kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong đó có các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Bắc Kạn đã phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; góp phần quan trọng tạo nêu thành công của Kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, như: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư các tuyến giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc, như tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng, mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 3; kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự; đề nghị phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thực hiện các bước đầu tư một số loại công trình, dự án như đối với các dự án, công trình thuộc khu vực II; kiến nghị dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân và đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với cả lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức; hỗ trợ tiền đi lại, tiền xét nghiệm, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc... Kiến nghị của các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đều xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương và khu vực, do đó nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận xã hội cũng như các vị ĐBQH trên cả nước.

Phải khẳng định rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn nhất là trong bối cảnh hiện nay, được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Những chủ trương lớn được thông qua tại kỳ họp sẽ nhanh chóng tạo nên chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân cả nước trong thời gian tới./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP