Trong tuần làm việc đầu tiên (từ ngày 5/5 đến ngày 10/5/2025), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã diễn ra với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay trong phiên khai mạc trọng thể sáng 5/5, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2025. Các báo cáo thẩm tra, tổng hợp ý kiến cử tri và báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cũng được trình bày, thể hiện rõ mối quan tâm, đồng hành của Quốc hội với các vấn đề thực tiễn của đất nước.
Đáng chú ý, Quốc hội đã dành thời gian xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp - một bước đi quan trọng thể hiện yêu cầu đổi mới thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia.
Trong suốt tuần làm việc, Quốc hội đã thảo luận sâu rộng về nhiều dự án luật quan trọng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, tổ chức bộ máy nhà nước, tư pháp, kinh tế và môi trường. Trong đó có các dự án Luật như: Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), và nhiều luật khác liên quan đến năng lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, doanh nghiệp...

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành phiên thảo luận Tổ 11
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Tổ trưởng Tổ thảo luận 11 đã chủ trì, điều hành ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La và Vĩnh Long sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung theo Chương trình kỳ họp.
Sôi nổi, trách nhiệm và tâm huyết, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, thể hiện rõ vai trò, chính kiến, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực vào các dự thảo luật, nghị quyết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tích cực tham gia các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường
Trong phiên thảo luận tại Hội trường, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Từ thực tiễn địa phương, đại biểu kiến nghị mở rộng ưu đãi cho các dự án sử dụng nhiều lao động tại chỗ, đề xuất giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thu hút đầu tư địa phương nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời, quan tâm đến chính sách vay vốn ưu đãi cho phụ nữ và người cao tuổi, đề nghị bổ sung người lao động là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Thảo luận Tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề xuất ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm sự tiếp thu đầy đủ, khách quan và hiệu quả. Đại biểu tiếp tục góp ý cho dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kiến nghị hoàn thiện quy định về quản lý ngân sách cho nghiên cứu khoa học, giảm thủ tục rườm rà, đồng thời đề xuất bổ sung nguyên tắc pháp lý cụ thể để tránh tình trạng văn bản hướng dẫn vượt khung pháp luật. Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu bảo vệ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với các cơ quan tư pháp địa phương, nhằm đảm bảo tính dân chủ, công khai và hiệu quả giám sát.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm khi thực hiện ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng thời cần quy định đầy đủ và chặt chẽ các chức danh HĐND cấp tỉnh, cấp xã để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc giới hạn phạm vi sửa đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là các vấn đề đang thực sự vướng mắc, cấp bách và đã được rà soát kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh đang thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời đề nghị giữ lại thẩm quyền quyết định các quy hoạch chiến lược cho Quốc hội.
Tham gia đóng góp nhiều ý kiến sát thực vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiến nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức rõ ràng hơn và có thể định lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đánh giá tự động để đảm bảo cán bộ, công chức được đánh giá một cách khách quan. Đồng thời, đề nghị việc đánh giá và bố trí công chức không hoàn thành nhiệm vụ vào vị trí làm việc thấp hơn cần đảm bảo yếu tố nhân văn, tránh máy móc.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đóng góp thẳng thắn, sâu sát thực tế địa phương, các ý kiến của Đoàn không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn phản ánh trung thực, kịp thời những nguyện vọng chính đáng của cử tri Bắc Kạn, đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp.