Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên và lấy ý kiến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
( Cập nhật lúc:
16/05/2024
)
Chiều 13/5/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm: đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; Hà Sỹ Huân, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát thu thập thông tin việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên và lấy ý kiến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo và một số phòng chuyên môn của các cơ quan: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và một số cộng tác viên pháp luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Qua khảo sát việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 30/9/2023 cho thấy, quá trình thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn có một số khó khăn, hạn chế, bất cập như: Một số trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật không được gia đình quan tâm, giáo dục, không hợp tác với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho công tác xác minh; một số trường hợp, bị can không có người thân thích hoặc người thân không giám sát chặt chẽ dẫn đến việc bị can rời khỏi nơi cư trú, có đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã sau khi khởi tố bị can; quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” và “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” áp dụng cả đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không phù hợp, chưa thể hiện cao tính nhân đạo về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội; việc áp dụng hình phạt cảnh cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn bất cập, theo Điều 98 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt cảnh cáo là một trong bốn hình phạt được áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội, Điều 34 Bộ luật Hình sự quy định cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt, trong khi đó, khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; việc áp dụng Điều 92 Bộ luật Hình sự về miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp vướng mắc khi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về điều kiện có sự “đồng ý” của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp phải được thể hiện dưới hình thức nào, bằng văn bản hoặc bằng lời nói...
Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đối với nội dung dự thảo Luật như: Liên quan đến quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả 03 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định nhằm bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời; có ý kiến cho rằng cần giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho Tòa án để thực hiện đúng chức năng Hiến định “Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất về thẩm quyền; hình phạt “phạt tiền” đối với người chưa thành niên là không hợp lý và không cần thiết, không phù hợp với tâm sinh lý và mục đích giáo dục, trên thực tế đa số người dưới 18 tuổi không có tài sản riêng nên việc đóng tiền nộp phạt không có tác dụng cao để người chưa thành niên nhận thức đầy đủ về lỗi lầm của mình; đối với quy định về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, có ý kiến nhất trí với dự thảo để bảo đảm nguyên tắc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời và phù hợp chính sách rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án, đảm bảo thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên; tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã quy định về việc tách vụ án hình sự; trong đó không quy định việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có người chưa thành niên phạm tội như quy định tại Điều 130 dự thảo Luật, bên cạnh đó, trong trường hợp vụ án vừa có người chưa thành niên, vừa có người đã thành niên là người bị buộc tội, nếu tách vụ án sẽ không làm rõ được bản chất, nguyên nhân, điều kiện và không bảo đảm tính toàn diện trong giải quyết vụ án, việc quy định tách vụ án hình sự như dự thảo sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm thủ tục tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành...
Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên và những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, xây dựng báo cáo, làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu, lựa chọn nội dung tham gia thảo luận, góp ý tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.