Đề nghị không thực hiện thí điểm đối với hoạt động tư pháp
( Cập nhật lúc:
26/10/2021
)
Sáng 25/10, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 6. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) tham gia tranh luận về việc mở rộng phạm vi tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Đại biểu Thủy cho rằng, việc đề xuất tạm đình chỉ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh như dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự trình Quốc hội là hợp lý. Vì đây là giai đoạn đầu của tố tụng, một số hoạt động phải thực hiện trực tiếp ở thực địa, hiện trường như biện pháp thu thập chứng cứ, khám nghiệm tử thi...nếu vụ việc vi phạm xảy ra hoặc được phát hiện ở địa bàn được xác định là “vùng đỏ” hoặc đang áp dụng Chỉ thị 16 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua, thì các cơ quan tố tụng không thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ được. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh.
Còn đối với giai đoạn xét xử, để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh không thể tiến hành các phiên tòa xét xử trực tiếp như thời gian qua, tại kỳ họp này Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất, trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết phiên tòa trực tuyến là đã đảm bảo tính khả thi, khắc phục được vướng mắc hiện nay. Còn nếu bổ sung cho phép áp dụng tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử, điều này dẫn đến phải sửa đổi cả Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính để đảm bảo phù hợp với hoạt động xét xử của 02 loại phiên tòa này. Mặt khác điều này dẫn đến kéo dài thời hạn xét xử, theo đó kéo dài thời gian tạm giam đối với các bị cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Thủy đề nghị không thực hiện thí điểm đối với hoạt động tư pháp, bởi vì hoạt động tố tụng là hoạt động liên quan trực tiếp đến con người, là việc cơ quan tư pháp xem xét xác định một người có tội hay không có tội để quyết định áp dụng hình phạt tù hay không phạt tù. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kĩ các nội dung để quyết định các cơ quan tư pháp được làm hay không được làm theo các nội dung đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Bà Hồ Thị Kim Ngân,Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận Tổ, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với những quy định cụ thể, các đại biểu quan tâm đến nhiều nội dung về hợp đồng bảo hiểm, chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm…
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đề nghị quy định rõ hơn, chi tiết hơn các chính sách nhằm phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quy định rõ hơn việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm tại Điều 12 và các hình thức giao dịch khác bằng văn bản tại Điều 15 của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với các quy định về bảo hiểm vi mô, về các hành vi bị nghiêm cấm, về trách nhiệm của Hiệp hội bảo hiểm trong phòng, chống gian lận bảo hiểm, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ,…