Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại tổ về các vấn đề trọng tâm phát triển kinh tế -xã hội

( Cập nhật lúc: 25/05/2022  )

Sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia Tổ thảo luận số 3 gồm các tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng, Tây Ninh.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có 04 đại biểu tham gia phát biểu ý kiến. Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội vừa ban hành Nghị quyết 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay các địa phương rất mong chờ nguồn vốn để tổ chức triển khai. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành các Thông tư, Hướng dẫn để các địa phương có đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể hóa Nghị quyết để làm rõ lợi thế của các tỉnh miền núi, để tạo chuyển biến trong nhận thức, trong xây dựng các cơ chế, chính sách để Nghị quyết có bước chuyển mới và có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Đối với các cơ chế, chính sách hiện nay còn chưa phù hợp, mâu thuẫn như trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước… Đề nghị Chính phủ có đánh giá, sớm đề xuất điều chỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Như đối với Luật Ngân sách nhà nước cần sửa đổi để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Tại khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác, trừ một số trường hợp: Ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cấp thiết khác để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương; các đơn vị cấp trên quản lý đóng trên địa bàn khi thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp dưới; sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng... Đề nghị sửa đổi theo hướng các đơn vị cấp trên quản lý đóng trên địa bàn và địa phương có số thu cao sử dụng ngân sách của cấp mình, địa phương mình để hỗ trợ cấp dưới, hỗ trợ địa phương khác không chỉ để khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng mà để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, như vậy mới có đủ nguồn lực và chia sẻ giữa ngân sách địa phương này với địa phương khác. Đối với việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Hổ Thị Kim Ngân thống nhất với báo cáo và tờ trình của Chính phủ, nhất trí với việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Đề nghị sau tổng kết, Chính phủ có đánh giá liên quan đến những quy định còn mâu thuẫn cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan báo cáo để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tham gia phát biểu ý kiến đối với vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, hiện nay còn có hiện tượng gợi ý gia đình phụ huynh và học sinh đang học lớp 9 có học lực kém chuyển sang học nghề hay học dân lập. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kiểm tra, xem xét lại các chỉ tiêu thi đua đối với các nhà trường để khắc phục tình trạng gây áp lực cho phụ huynh và học sinh như hiện nay. Trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị các giải pháp để thực hiện linh hoạt công tác phòng chống dịch: trong hướng dẫn điều trị cho người dân bị nhiễm Covid-19 và các chương trình hỗ trợ người bệnh hậu Covid-19.

Về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị các cơ quan chức năng, Bộ Công an rà soát chặt chẽ để chống gian lận trong thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để có một thị trường chứng khoán minh bạch, hoạt động hiệu quả. Đối với việc triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm. Đây là vùng khó khăn nên người dân rất mong chờ. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc chỉ ra hạn chế, trách nhiệm trong việc chậm triển khai chương trình, khẩn trương chỉ đạo Bộ, ngành sớm có hướng dẫn để triển khai chương trình đi vào cuộc sống.

Đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm nâng mức hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để giảm bớt khó khó khăn cho người dân. Về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Huân kiến nghị Chính phủ xem xét, có sự điều tiều tiết giữa các tỉnh có nguồn lực về nhân sách, có khả năng xã hội hóa để quản lý, xây dựng, duy tu bảo tồn các di tích lịch sử, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, như khu di tích lịch sử ATK của tỉnh Bắc Kạn để góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia thảo luận về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT, giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên một số bộ môn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ chế, chính sách đối với y bác sĩ, công tác đấu thầu thuốc…

Chiều 25-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Thu Thương
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP