Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý dự thảo Luật Căn cước và Luật Viễn thông (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
11/06/2023
)
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật Căn cước và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3 chủ trì, điều hành phiên thảo luận.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp
Quan tâm đến dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, xem xét lại quy định việc các công ty viễn thông thỏa thuận cung cấp thông tin khách hàng tại điểm b khoản 4 Điều 6 để đảm bảo thống nhất với quyền bí mật thông tin của khách hàng. Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại Điều 33, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các khoản đóng góp vào Quỹ và các nhiệm vụ chi của Quỹ, theo báo cáo, hiện nay Quỹ có tổng nguồn thu lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ còn rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy.
Về dự án Luật Căn cước, đồng tình với quan điểm bổ sung đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tại dự thảo Luật, theo đó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy thống nhất với tên gọi là Luật Căn cước như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp (trên cơ sở sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện hành). Về thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của Chính phủ quy định tại khoản 24 Điều 10, đại biểu đề nghị cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng hơn để tránh việc có quá nhiều thông tin được chia sẻ trong khi thông tin đó là không cần thiết.
Về người được cấp căn cước tại Điều 20, tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo dự án Luật về việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước với người dưới 14 tuổi (khi có nhu cầu), đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định như vậy phù hợp với thực tiễn hiện nay vì có nhiều người có nhu cầu khám, chữa bệnh hoặc đi học ở nước ngoài cần có loại giấy tờ này. Mặt khác, việc cấp căn cước là theo nhu cầu và cũng phù hợp với quy định về thời điểm cấp đổi thẻ căn cước quy định tại Điều 22 dự thảo Luật. Về quy định các trường hợp thu hồi thẻ tại Điều 30, đại biểu đề nghị cần phân loại với trường hợp cố ý hay vô ý (đánh mất thẻ, bị trộm, cắp thẻ…) làm mất căn cước, theo đó không áp dụng thủ tục thu hồi thẻ đối với trường hợp vô ý làm mất thẻ.