Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
03/11/2022
)
Chiều 02/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và cho rằng việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, nhất là vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cũng cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), đồng thời đóng góp rất nhiều các ý kiến thiết thực, cụ thể, đề xuất phương án tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị bổ sung quy định về thành phần mời tham dự kỳ họp trong trường hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến và giao cho Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội quyết định thành phần mời tham dự để phù hợp với nội dung của từng phiên họp.
Về những tài liệu lưu hành tại kỳ họp, đại biểu Thủy đề nghị bổ sung quy định về việc giao trách nhiệm cho Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát và trong trường hợp tài liệu chỉ có một vài con số, một vài thông tin thuộc về bí mật Nhà nước thì đề nghị cơ quan gửi tài liệu tách riêng những thông tin này để lưu hành theo chế độ tài liệu mật, còn lại không đóng dấu “Mật” vào toàn bộ tài liệu để thuận lợi cho các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, sử dụng.
Đại biểu Thủy cũng đề nghị quy định rõ vào trong Nội quy kỳ họp về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến, góp ý đối với các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, về thời gian phát biểu của đại biểu và một số nội dung thuộc về kỹ thuật lập pháp,…
Các nội dung đại biểu phát biểu sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.