Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân đề xuất nhiều chính sách thiết thực tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
08/05/2025
)
Sáng 7/5, trong ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến góp ý cụ thể, tập trung vào việc điều chỉnh, bổ sung chính sách theo hướng bám sát thực tiễn và đảm bảo tính khả thi trong triển khai.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường
Phát biểu tại hội trường, về khuyến khích sử dụng lao động tại chỗ ở vùng nông thôn, miền núi, đại biểu Hà Sỹ Huân đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 4 của dự thảo luật về chính sách của Nhà nước về việc làm. Cụ thể, ông kiến nghị bổ sung cụm từ “sử dụng nhiều lao động tại địa phương vùng nông thôn, miền núi” vào sau đoạn “người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Đại biểu cho rằng việc bổ sung nội dung này là rất cần thiết, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại chỗ, lực lượng lao động hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm. Chính sách này cũng sẽ góp phần tích cực vào chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, miền núi.
Về đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Huân bày tỏ sự đồng tình với việc quy định các nhóm đối tượng được hưởng mức lãi suất vay vốn ưu đãi để tạo, duy trì và mở rộng việc làm. Tuy nhiên, ông cho rằng cần bổ sung thêm hai nhóm đối tượng gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc có tỷ lệ lao động nữ trên 50%; Người lao động là người cao tuổi.
Lý giải đề xuất, đại biểu nhấn mạnh rằng phụ nữ và người cao tuổi là hai nhóm dễ bị tổn thương, thường gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn để phát triển kinh tế. Việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp hơn sẽ tạo thêm động lực để họ tích cực tham gia lao động sản xuất, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách bình đẳng giới và an sinh xã hội.
Liên quan đến nội dung tại Điều 11 về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động ở khu vực nông thôn, đại biểu Hà Sỹ Huân nhận định rằng các chương trình đào tạo nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa phần chỉ đào tạo các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến tự tạo việc làm, trong khi nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp lại không được đáp ứng.
Từ thực tế đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 theo hướng: “Hỗ trợ đào tạo nghề để tự tạo việc làm hoặc khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng tại địa phương và theo các chương trình khác của Thủ tướng Chính phủ”. Theo đại biểu, việc đào tạo nghề cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường lao động, có như vậy mới bảo đảm tính bền vững trong chuyển đổi nghề nghiệp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.
Tại khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật, các nhóm thông tin người lao động phải đăng ký đã được quy định khá chi tiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Huân, vẫn còn thiếu một thông tin quan trọng là tình trạng sức khỏe của người lao động. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thông tin này vì cho rằng: “Tình trạng sức khỏe là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm việc, là căn cứ để doanh nghiệp sắp xếp công việc phù hợp và đảm bảo an toàn lao động. Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp dữ liệu lao động trở nên đầy đủ, chính xác hơn.”
Đại biểu đề nghị hỗ trợ phụ nữ nuôi con nhỏ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp tại khoản 3 Điều 23 về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đại biểu đề xuất bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Theo đại biểu, phụ nữ trong giai đoạn này thường gặp nhiều khó khăn trong việc quay trở lại thị trường lao động hoặc tiếp cận các chương trình đào tạo nghề. Việc bổ sung hỗ trợ cho đối tượng này không chỉ góp phần thực hiện chính sách bình đẳng giới mà còn giúp phụ nữ nâng cao năng lực nghề nghiệp, tự tin hơn trong tham gia hoạt động kinh tế.
Những kiến nghị của đại biểu Hà Sỹ Huân tại phiên thảo luận đều mang tính thực tiễn cao, xuất phát từ thực trạng của địa phương và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đó là người dân vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, người cao tuổi - những đối tượng rất cần sự hỗ trợ cụ thể, hiệu quả từ chính sách pháp luật.
Việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, từ đó thúc đẩy phát triển thị trường lao động bền vững, công bằng và bao trùm hơn.