Đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ
( Cập nhật lúc:
29/11/2023
)
Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại phiên họp
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ và cơ quan, tổ chức nhận ký gửi, hiến tặng tài liệu cho lưu trữ lịch sử. Trong đó, đối với quyền được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ, tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu có quyền đề nghị được nhận lại tài liệu lưu trữ, được yêu cầu các điều kiện bảo quản tài liệu lưu trữ khi ký gửi, được giữ bí mật và được ưu tiên sử dụng hồ sơ, tài liệu, quyết định hồ sơ, tài liệu lưu trữ cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng…; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ, nên quy định trách nhiệm ưu tiên ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho Lưu trữ lịch sử các cấp; không được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; tuân thủ các thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; trả phí ký gửi tài liệu lưu trữ…
Liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhận tài liệu lưu trữ ký gửi, hiến tặng, đại biểu đề nghị bổ sung quyền không nhận ký gửi tài liệu lưu trữ không có giá trị, có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc không thống nhất được thỏa thuận ký gửi giữa hai bên; chấm dứt hoặc dừng hợp đồng ký gửi tài liệu lưu trữ nếu tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu lưu trữ không tuân thủ các điều kiện theo thỏa thuận ký kết. Đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; sử dụng các biện pháp bảo quản, sử dụng an toàn tài liệu lưu trữ.
Về cấp bản sao tài liệu lưu trữ, bản chứng thực tài liệu lưu trữ quy định tại Điều 23 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần rà soát để thống nhất với quy định của Luật Phí và lệ phí, vì Luật hiện hành chưa có quy định về nội dung này và theo đại biểu, nếu cần bổ sung quy định về nội dung này, đề nghị bổ sung tại danh mục lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, cần làm rõ “phí sử dụng tài liệu lưu trữ” quy định trong dự thảo Luật đã bao gồm những phí gì để quy định không bị “chồng phí”...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các ý kiến phát biểu của đại biểu rất sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới, đồng thời cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới... và ngay sau kỳ họp này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý, các hội nghị, hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.
Trước đó, tại phiên họp buổi sáng và đầu buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)./.