Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã khu vực An toàn khu cách mạng

( Cập nhật lúc: 01/06/2023  )

Tham gia thảo luận trong Phiên họp sáng 01/6 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Kạn Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực các xã an toàn khu cách mạng.

Đoàn Chủ tịch chủ trì và điều hành phiên họp sáng 01/6

Trang Thông tin Đại biểu dân cử tỉnh trân trọng giới thiệu nội dung thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tại phiên họp này.

“Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội!

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các xã vùng ATK và CT229 của tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Ngoài việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, tỉnh Bắc Kạn cũng đã ưu tiên đầu tư cân đối các nguồn vốn cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ATK và CT229 của tỉnh. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, suất đầu tư cao, trong khi nguồn lực của tỉnh rất hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân trong vùng.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14 về chính sách hỗ trợ xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. tuy nhiên, đến nay Trung ương chưa ban hành các quy chế quản lý cụ thể, các chế độ, chính sách đối với các địa phương trong vùng ATK. Cùng với đó một số chính sách mới chỉ được áp dụng đối với các xã ATK khu vực III hoặc các xã CT229 (chưa đạt chuẩn nông thôn mới), chưa có chính sách cho các xã ATK, khu vực II, khu vực I. Do đó, việc triển khai các chính sách chưa đồng bộ, thống nhất, còn gặp nhiều khó khăn như: Hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, các thiết chế văn hóa xã ATK; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân trong các xã ATK cách mạng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận tại phiên họp.

Thời gian qua, khả năng tiếp cận các nguồn lực ngoài ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, do quy định các chương trình/dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã CT229 không được có yếu tố nước ngoài; trường hợp các dự án có yếu tố nước ngoài đầu tư vốn cho địa phương, không ảnh hưởng đến bí mật, an toàn vùng CT229 thì phải thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Chính phủ xem xét, quyết định. Vì thé, việc thu hút dự án ngoài ngân sách, tạo việc làm cho người lao động trong vùng cũng khó khăn thực hiện.

Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư tại vùng ATK và CT229 rất hạn chế, hầu như không có nguồn vốn ngoài ngân sách, chỉ có thể đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, trong khi điểm tính cho các xã ATK, CT229 theo nguyên tắc, tiêu chí thấp, Trung ương không còn Chương trình mục tiêu quốc phòng, an ninh trên địa bàn trọng điểm, do đó không còn các dự án đầu tư trên địa bàn các xã CT229.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có phạm vi đầu tư không trùng với các Chương trình MTQG khác, do đó sẽ không hỗ trợ đầu tư cho các xã thuộc phạm vi đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; vì vậy một số xã CT229, xã ATK đã đạt chuẩn NTM sẽ không được đầu tư từ Chương trình này.

Kính thưa Quốc hội!

Các xã vùng ATK và CT229 của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả nước nói chung hầu hết đều là các xã miền núi với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn: Địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại chưa thực sự thuận lợi, một số xã có diện tích phần lớn là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nên khó khăn trong phát triển kinh tế, các thiết chế văn hóa, giáo dục, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thu ngân sách thấp.

Để đảm bảo thực hiện các chính sách trên địa bàn các xã này để đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tôi xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành một Chương trình hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã CT229 và vùng ATK với phạm vi của Chương trình bao gồm tất cả các xã, thị trấn thuộc vùng này với các chính sách cụ thể như sau:

Một là, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô và phạm vi mở rộng hơn, mức hỗ trợ cao hơn so với các chính sách thu hút đầu tư hiện nay, đồng thời các chính sách phải gắn với phát triển du lịch lịch sử ATK; chính sách đầu tư các công trình hạ tầng lưỡng dụng kinh tế và quốc phòng.

Hai là, các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, bảo hiểm, giảm nghèo, nhà ở, cán bộ đồng bộ, thống nhất trong vùng để vừa đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và giữ vững quốc phòng, an ninh; trong đó xem xét, áp dụng chính sách cho tất cả các xã khu vực I và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ba là, xây dựng và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã ATK; các chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực các khu di tích ATK, nhằm bảo tồn hiện trạng di tích nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người dân.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên kết nối giữa các xã trong vùng, giữa các vùng ATK và CT229, trong cùng một tỉnh và giữa các vùng ATK và CT229 của các địa phương, như kết nối giao thông giữa các vùng ATK Định Hoá, Thái Nguyên – Chợ Đồn, Bắc Kạn, các huyện ATK Cao Bằng, Tuyên Quang.

Năm là, cơ chế, chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng và bảo vệ phát triển rừng như các đại biểu đã phát biểu trước.

Kính thưa Quốc hội!

Vẫn còn đó chiến khu xưa, vẫn còn đó tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào các dân tộc nơi đây với cách mạng và cũng còn đó sự mòn mỏi đợi chờ chính sách kịp thời của nhà nước để tạo đà, tạo sức bật cho vùng căn cứ kháng chiến vươn lên, để nhân dân có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đó mới chính là cách thiết thực nhất để tri ân những con người, vùng đất có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tôi xin hết, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!”

Ái Vân (Ghi chép tại Kỳ họp thứ 5)
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP