Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các địa phương có công trình quốc phòng và khu quân sự
( Cập nhật lúc:
11/06/2023
)
Chiều 09/6, Quốc hội tiếp tục dành ½ thời gian buổi chiều để thảo luận tại Tổ ĐBQH về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tổ thảo luận số 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì.
Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Kạn) tham gia thảo luận tại tổ
Trước đó, tại phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Cơ bản các đại biểu tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ đường lối chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước.
Góp ý đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, cơ bản các đại biểu đều đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật và nội dung dự thảo Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Đoàn Bắc Kạn) tham gia góp ý đối với một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật.
Về quy định tại khoản 5 Điều 2 giải thích “khu vực cấm”, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về giới hạn cấm đối với khoảng không để bảo đảm kiểm soát được chiều cao công trình quốc phòng, nhất là công trình trực canh sẵn sàng chiến đấu. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định giải thích rõ cụm từ “làm biến dạng địa hình tự nhiên” để có cách hiểu thống nhất khi thực hiện. Liên quan đến các quy định có nội dung cấm, theo đại biểu Hoàng Văn Hữu, một số nội dung còn nằm rải rác tại các điều luật, cần rà soát đưa vào quy định tại Điều 6.
Về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 25, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định giao cho các địa phương có công trình quân sự và phòng thủ thực hiện, vì ở đó có hệ thống các lực lượng có thể đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này.
Về chế độ chính sách đối với địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 26, đại biểu cho rằng nội dung quy định “áp dụng đối với các xã đặc biệt khó khăn” tại khoản 1 Điều luật này chưa phù hợp, đề nghị nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng cho các xã có công trình quốc phòng và khu quân sự, đồng thời cần quan tâm đưa hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc phòng tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này để đời sống của người dân được cải thiện hơn, bảo đảm điều kiện phát triển KT-XH của địa phương có công trình quốc phòng và khu quân sự.