Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”; gồm các đại biểu do Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra. Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, kiến nghị những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan, nhất là trong giải quyết vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp.
Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân lại chưa quy định về thẩm quyền cho ý kiến giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó có quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì tổ chức kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định.
Ngày 22/11/2019, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó có sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 6 như sau: “Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân”. Với quy định này, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp khá lúng túng và có nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát sinh thì tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Ngày 9/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Công văn số 288/UBTVQH15-CTĐB có hướng dẫn về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân: Căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong các luật khác, chẳng hạn như: Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Từ các quy định của pháp luật, cho thấy việc Thường trực Hội đồng nhân dân xử lý những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp là có cơ sở, đúng thẩm quyền, tuy nhiên chỉ ở một số lĩnh vực luật cho phép như: Điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách địa phương, đơn vị; phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; cho ý kiến về Đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào mục đích liên doanh, liên kết...
Qua thực tiễn cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân trong xử lý những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
* Về thẩm quyền cho ý kiến
Việc đề nghị giải quyết các nội dung phát sinh giữa 02 kỳ họp Hội đồng nhân dân yêu cầu phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thực tế địa phương. Thường trực Hội đồng nhân dân quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, trung thực, khách quan đúng thẩm quyền. Ủy ban nhân dân chỉ xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ cho ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
* Về quy trình thực hiện
Các nội dung phát sinh giữa 02 kỳ họp thuộc thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân phải được Ủy ban nhân dân trình xin ý kiến bằng văn bản. Sau khi Thường trực Hội đồng nhân dân nhận được văn bản xin ý kiến phát sinh giữa 02 kỳ họp sẽ giao cho các Ban Hội đồng nhân dân thẩm tra theo lĩnh vực của từng Ban.
Căn cứ vào các nội dung trình của Ủy ban nhân dân và sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban tổ chức thẩm tra. Trên cơ sở ý kiến của Ban, Văn phòng giúp việc tiến hành tham mưu, tổng hợp, xin ý kiến các đồng chí trong Thường trực Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định. Đối với từng nội dung, Văn phòng sẽ đề xuất, tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân lựa chọn hình thức cho ý kiến phù hợp: Đối với những nội dung cần gấp về thời gian thì Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ cho ý kiến bằng hình thức gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân; những nội dung không gấp thì Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ thông qua tại phiên họp hằng tháng.
* Đảm bảo chất lượng trong công tác thẩm tra
Ngay khi nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân, Ban chủ động chỉ đạo Văn phòng giúp việc sưu tầm tài liệu và gửi các thành viên Ban nghiên cứu trước.
Đối với những nội dung phức tạp, Ban sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của địa phương và các đối tượng có liên quan để nắm bắt đầy đủ thông tin trước khi thẩm tra. Đồng thời, yêu cầu Ủy ban nhân dân cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan, nội dung văn bản phải đầy đủ căn cứ và cụ thể, rõ ràng và tổ chức họp Ban để lấy ý kiến thống nhất các thành viên Ban trước khi báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Việc phối hợp thường xuyên, kịp thời giữa Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân được kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và các chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.