1. Cử tri Đinh Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, một số nắp cống, mương thoát nước tại Quốc lộ 3B, đoạn qua thành phố Bắc Kạn đã bị hư hỏng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Đề nghị để sớm giải quyết, khắc phục.
Trả lời: Nội dung cử tri phản ánh thuộc tuyến Quốc lộ 3 đi qua địa phận tỉnh Bắc Kạn do Chi cục Quản lý đường bộ I.4 thuộc Cục Quản lý đường bộ I-Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác. Chi cục Quản lý đường bộ I.4 đã kiểm tra rà soát đồng thời cam kết tiến hành sửa chữa, bổ sung trong tháng 7/2018.
2. Cử tri Nông Văn Tuấn, tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, Quốc lộ 3B đoạn qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh có dải phân cách gây khó khăn cho người dân khi có việc phải vào bệnh viện và cấp cứu bệnh nhân, cụ thể: khi người dân đi từ bệnh viện về trung tâm thành phố phải đi ngược lên hướng huyện Bạch Thông khoảng 100m thì mới quay về được, ngược lại người đi từ hướng Bạch Thông muốn vào bệnh viện thì phải đi đến khu vực ngã 3 đường tránh thành phố rồi ngược lên mới vào được bệnh viện. Đề nghị xem xét mở dải phân cách trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trả lời: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND thành phố Bắc Kạn đã phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ I.4 kiểm tra, khảo sát cụ thể, và có văn bản gửi Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị cho mở dải phân cách đoạn tuyến này, nếu được chấp thuận, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện.
3. Cử tri Chu Văn Vành, tổ 15, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hệ thống nước thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, một số nơi chưa được nhà nước đầu tư hệ thống thoát nước thải. Nhưng hiện nay quy định người dân sử dụng nước sinh hoạt phải chi trả 10% phí nước thải sinh hoạt là chưa hợp lý. Đề nghị xem xét lại quy định trên.
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 06 năm 2014 về phí bảo vệ môi trường:
“ 1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:
a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;
b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;
c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.
3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.”
Tại khoản 1 Điều 6, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như sau: “Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Như vậy, theo các quy định nêu trên, các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường đều phải nộp phí bảo vệ môi trường (trừ các trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP).Việc quy định người dân sử dụng nước sinh hoạt phải chi trả 10% phí nước thải sinh hoạt là mức phí tối thiểu phải nộp (10%) do Chính phủ quy định và được quy định trên cơ sở khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường; mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải không quy định về mức độ đầu tư đồng bộ và hoàn thiện của hệ thống thoát nước thải.
4. Cử tri Nguyễn Hữu Văn, Tổ trưởng tổ Lâm Trường, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Năm 1963, Lâm trường Bạch Thông, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn đã giao 27ha đất lâm nghiệp cho các hộ dân tổ Lâm Trường để làm đồi chăn thả gia súc. Sau khi hợp tác xã giải thể thì các hộ dân tự chia khoảnh trong 27ha đất này để canh tác, sản xuất nhưng mỗi hộ lại trồng một loại cây khác nhau nên không có hiệu quả về kinh tế. Đề nghị xem xét giao đất cho người dân quản lý và có hướng chỉ đạo trồng đồng loạt một loại cây để phát triển kinh tế hiệu quả.
Trả lời: Theo hồ sơ đất đai, khu đất cử tri Nguyễn Hữu Văn phản ánh là đất có nguồn gốc của Lâm trường Bạch Thông được UBND tỉnh Bắc Thái giao đất theo Quyết định số 638 UB/QĐ, ngày 08/12/1992; khu đất được rà soát, quy hoạch và giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1495 NN/LN, ngày 30/11/2000 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn và Quyết định số 795/QĐ-UBND, ngày 25/5/2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Năm 2012, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt cấp GCNQSD đất cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn tại Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 24/5/2012.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri Công ty sẽ làm việc với các hộ và chính quyền sở tại để thực hiện đầu tư trồng kinh doanh rừng, giao khoán cho các hộ trồng kinh doanh rừng theo phương án chung của Công ty tại địa bàn sao cho đảm bảo hiệu quả kinh tế trong tháng 7/2018.
5. Cử tri Đinh Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, kênh mương thoát nước thải đầu ra của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (bệnh viện 500 giường) đến khu dân cư tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng không có nắp đậy gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân quanh khu vực. Đề nghị xem xét lắp nắp đậy để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trả lời: Ngày 12/7/2018, UBND thành phố và Ban QLDA ĐTXD tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế địa điểm cử tri phản ánh, tại buổi kiểm tra có cử tri Đinh Thị Tuyết.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Kênh thoát nước thải theo ý kiến của cử tri (rộng khoảng 2,5m) là kênh thoát nước thải chung của khu vực tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng (khoảng 40 hộ), trong đó, có tiếp nhận nước thải từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nước mặt thuộc lưu vực xung quanh. Trong quá trình đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban QLDA ĐTXD tỉnh đã bổ sung hạng mục kè cho một số đoạn xung yếu của đoạn kênh nêu trên để tránh sạt lở và lấn chiếm đất đai của các hộ dân. Tuy nhiên, còn một số đoạn chưa được kè và cây cối rậm rạp ở bờ kênh. Hiện nay dự án đầu tư xây dựng Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã hoàn thành và đang được thẩm tra quyết toán, nên không còn nguồn vốn để đầu tư thêm nắp đậy cho đoạn kênh nêu trên.
Kiến nghị của cử tri là chính đáng, tuy nhiên, hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn để làm nắp cống đậy. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ giao cho UBND thành phố quản lý đoạn kênh mương và nghiên cứu nguồn vốn phù hợp để sớm đầu tư, trước mắt, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đề nghị nhân dân trong khu vực thường xuyên tổ chức phát quang cây cối và khơi thông rãnh để thoát nước kịp thời, không gây lưu cữu nước thải. Đồng thời, UBND thành phố vận động người dân không vứt rác thải nhất là rác thải hữu cơ (xác động vật chết) xuống đoạn kênh để đảm bảo vệ sinh môi trường.
6. Cử tri Triệu Thị Khang, Tổ Xây Dựng, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, một số bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn có trình độ chuyên môn hạn chế, chẩn đoán bệnh chưa chính xác và có thái độ chưa đúng với bệnh nhân. Đề nghị nâng cao chất lượng chuyên môn và chấn chỉnh thái độ phục vụ của một số y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện.
Trả lời: Sở Y tế đã tiếp thu ý kiến cử tri và tiếp tục tăng cường đào tạo nhân lực, chấn chỉnh việc thực hiện Quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong ngành Y tế và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh , triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ngành đã xây dựng Kế hoạch thực hiện: thành lập Ban chỉ đạo; Tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ nhân viên y tế; tổ chức ký cam kết thực hiện; Bố trí hòm thư góp ý tại các khoa, phòng của bệnh viện và Phòng tiếp công dân tại các Bệnh viện thực hiện trong toàn ngành...nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Đối với việc nâng cao chất lượng chuyên môn: Bệnh viện đa khoa tỉnh 500 giường được xây dựng, đưa vào vận hành từ năm 2016. Bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại và khá đồng bộ. Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng KCB, UBND tỉnh đã có chính sách riêng về đào tạo nhân lực Y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, theo đó bệnh viện cử nhiều viên chức đi đào tạo sau đại học, đào tạo theo kíp kỹ thuật, đào tạo liên tục… để nâng cao trình độ chuyên môn: Kết quả là nhân lực của Bệnh viện được cải thiện về số lượng và chất lượng, theo đó nhân lực bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh hiện nay có 05 bác sỹ chuyên khoa cấp II, 49 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, 60 bác sỹ, từ đó hàng năm đã triển khai thêm được 3 - 4 kỹ thuật mới chuyên sâu nên giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến hàng năm. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án Bệnh viện Vệ tinh chuyên ngành Tim mạch và Ung bướu tỉnh Bắc Kạn thực hiện tiếp nhận kỹ thuật mới, chuyên sâu từ Bệnh viện tuyến trên và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.
7. Cử tri Hoàng Thị Sinh, thôn Khuổi Trang, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn; Nông Thị Ánh, Trưởng trạm Y tế xã Xuân Dương, huyện Na Rì phản ánh: Tình trạng thiếu vacxin bệnh dại trên toàn tỉnh khiến người dân phải ra tỉnh ngoài mới tiêm được vacxin gây nhiều phiền phức, khó khăn cho người dân. Đề nghị quan tâm dự phòng đầy đủ vacxin bệnh dại cho người dân. Cử tri đồng thời phản ánh cùng là người bị chó cắn một thời điểm nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ ưu tiên tiêm vacxin cho người nghèo là không công bằng đối với những người có nhu cầu tiêm phòng vacxin bệnh dại. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Trả lời: Về ý kiến cử tri nêu trên hoàn toàn đúng với thực tế trong thời gian qua, do tình hình khó khăn trong cung ứng vắc xin dại xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.
Một số tỉnh, thành phố làm đại lý chính thức cho nhà cung ứng vắc xin dại là những đơn vị được ưu tiên phân phối trước song cũng không có vắc xin để chuyển nhượng cho đơn vị khác nên có tình trạng có tỉnh có vắc xin, có tỉnh thiếu hụt vắc xin, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù Ngành Y tế Bắc Kạn đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tìm giải pháp khắc phục, đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã chủ động liên hệ trực tiếp nhiều lần với các nhà cung ứng vắc xin dại để mua vắc xin phục vụ nhân dân, tuy nhiên chỉ được đáp ứng một phần rất nhỏ số liều vắc xin dại so với nhu cầu, do nguồn vắc xin dại trên toàn quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, sau khi nhập khẩu cũng phải có thời gian chờ kết quả kiểm định đạt yêu cầu thì mới cung ứng cho khách hàng.
Trước tình trạng trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quyết định sử dụng số liều vắc xin dại hiện có tại đơn vị (số lượng rất hạn chế) chỉ để ưu tiên tiêm trả mũi (những người chưa tiêm đủ 5 mũi theo một phác đồ điều trị) cho những đối tượng thuộc hộ nghèo theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐND, ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc quy định mức hỗ trợ chi phí tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đối tượng người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Với các đối tượng không thuộc hộ nghèo có chỉ định tiêm vắc xin dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tư vấn và giải thích rõ về tình trạng khó khăn trong cung ứng vắc xin dại để khách hàng chia sẻ và thông cảm cùng đơn vị. Đồng thời, giới thiệu một số địa chỉ tiêm vắc xin tại Thái Nguyên, Hà Nội (vì không phải cơ sở nào cũng có vắc xin như đã trình bày ở trên) để khách tự liên hệ và đi tiêm vắc xin.
Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vắc xin trong thời gian sớm nhất để bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
8. Cử tri Nguyễn Văn Ngưu, tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Trong quá trình thi công bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện 500 giường) đơn vị thi công đã tiến hành đổ đất rất cao ở phía sau Trường Trung cấp Y tế Bắc Kạn, có mưa đất đá bị trôi xuống làm vùi lấp 02 ao của các hộ dân, hiện nay còn có nguy cơ gây vùi lấp nhà dân. Đề nghị sớm xem xét, khắc phục.
Trả lời: Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (trong tháng 7/2018) phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đề xuất hướng xử lý trong thời gian sớm nhất. Khi có kết quả giải quyết sẽ thông tin tới cử tri và báo cáo HĐND tỉnh.
9. Cử tri Hoàng Thị Cát, tổ Khuổi Lái, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 09/9/2016 UBND tỉnh về thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, đến trước ngày 31/12/2017 sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động nung đốt gạch thủ công tại tất cả các địa phương, khu vực trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 17 lò gạch thủ công đang hoạt động. Đề nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Trả lời: Thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, UBND thành phố đã ban hành các văn bản: Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 28/11/2016 về triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động của các lò gạch lò gạch nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn; Công văn số 882/UBND-QLĐT ngày 10/7/2017; Công văn số 1222/UBND ngày 21/9/2017; Công văn số 543/UBND-QLĐT ngày 03/5/2018 về việc thực hiện cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.
Tuy nhiên hiện tại trên bàn thành phố vẫn còn 17 lò gạch đang hoạt động. Qua kiểm tra cho thấy các chủ lò chủ yếu không phải là người địa phương và không có nhu cầu đề nghị chuyển đổi nghề cho người lao động. Các chủ lò đã cam kết xin không khai thác nguyên liệu đất mới, mà xin đốt hết số đất và số gạch xanh đã sản xuất, sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2018.
Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thành phố Bắc Kạn sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên trong năm 2018.
10. Cử tri Lường Minh Thường, thôn Nà Choong, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Trong khoảng từ năm 2015-2016, ông đã đề nghị cấp đổi Huân chương kháng chiến chống Mỹ và cấp mới Bằng Huân chương chiến công giải phóng hạng 3 đối với cá nhân ông nhưng đến nay chưa được cấp lại. Đề nghị xem xét sớm giải quyết.
Trả lời:
Thực hiện Hướng dẫn số 1971/HD-CT, ngày 27/11/2013 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về việc cấp phát, cấp đổi, hiện vật khen thưởng và cấp Bằng huân, huy chương giải phóng trong Quân đội. Từ năm 2014 đến nay Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã triển khai hướng dẫn và chỉ đạo các Ban CHQS huyện, thành phố đồng loạt hướng dẫn và tổ chức thực hiện (có thông báo rộng rãi đến cấp xã, phường, thị trấn) qua đầu mối Ban CHQS cấp xã để tổng hợp, thống kê và lập hồ sơ đối với các đối tượng đủ điều kiện, lộ trình thực hiện từ nărn 2014 đến năm 2020.
Về đối tượng: Là các tập thể trong Quân đội, cá nhân đã và đang công tác trong Quân đội.
Về loại hình cấp đổi: Cấp đổi hiện vật Bằng Huân chương (chiến thắng, kháng chiến, chiến sĩ giải phóng và huân chương chiến công thành tích làm nhiệm vụ quốc tế, tuyến 1 biên giới và hải đảo).
Về loại hình cấp mới: Cấp hiện vật Bằng huân, huy chương Giải phóng.
Về hồ sơ đề nghị: Theo quy định của quân đội.
Về tuyến lập, trình hồ sơ: Chỉ đạo cán bộ Ban CHQS cấp xã nơi đối tượng cư trú hướng dẫn đối tượng kê khai; tiếp nhận, xem xét, hoàn chỉnh thủ tục báo cáo Ban CHQS huyện, thành phố xét duyệt, báo cáo Bộ CHQS tỉnh tổng hợp, báo cáo cấp trên xét và làm thủ tục cấp đổi, cấp mới.
Căn cứ vào ý kiến của cử tri, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban CHQS thành phố Bắc Kạn kiểm tra, rà soát hồ sơ lưu từ năm 2015 đến nay, cơ quan chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại huân chương của cá nhân có tên Lường Minh Thường, địa chỉ xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn.
Vậy đề nghị cử tri đến cơ quan quân sự địa phương (Ban CHQS xã Nông Thượng) để được xác minh rõ thời điểm và trường hợp cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan hướng dẫn đối tượng, tiếp nhận hồ sơ và hoàn chỉnh thủ tục xét duyệt hồ sơ đề nghị theo đúng quy định.
11. Cử tri Hà Văn Tiệu, tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Ông cùng các đồng đội tham gia bộ đội cảnh vệ nhưng chưa được hưởng chế độ gì do không tìm đủ 03 chữ ký xác nhận đã tham gia cảnh vệ. Năm 2016, ông đã hoàn thiện hồ sơ gửi Phòng Nội vụ thành phố, hồ sơ đã được chuyển đến Sở Nội vụ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị cho biết trường hợp của ông có được hưởng chế độ không?
Trả lời:
Trên cơ sở ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với UBND thành phố Bắc Kạn xác minh, kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra như sau:
Ông Hà Văn Tiệu hỏi chế độ cho bố ông là ông Hà Văn Định đề nghị khen thưởng kháng chiến. Năm 2016, UBND thành phố có Tờ trình số 202/TTr-UBND ngày 14/10/2016 về việc đề nghị xem xét giải quyết hồ sơ khen thưởng tổng kết kháng chiến còn tồn đọng trên địa bàn thành phố. Trong danh sách có tên ông Hà Văn Định, sinh năm 1929 quê quán xã Côn Minh, huyện Na Rì, trú quán tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn đề nghị truy tặng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
Qua xem xét hồ sơ và căn cứ Điều lệ khen thưởng cũng như các văn bản hướng dẫn về thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, hồ sơ của ông Hà Văn Định không đủ căn cứ để trình cấp trên khen thưởng với lý do: Bản khai thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của ông khai chưa đầy đủ liên tục (từ năm 1966 -1975; từ năm 1979 đến lúc ông mất ông làm gì ở đâu?); lý lịch đảng viên ông khai vào Đảng từ tháng 5 năm 1950 nhưng Đảng ủy xã Huyền Tụng xác nhận vào lý lịch đảng viên vào thời gian 10/1996 là chưa hợp lý về mặt thời gian. Mặt khác thành tích của ông Hà Văn Định chỉ có 01 người xác nhận là không đủ căn cứ để trình cấp trên khen thưởng (yêu cầu phải có đủ 02 người xác nhận). Nếu cử tri cung cấp được các thông tin còn thiếu, đề nghị liên hệ với Sở Nội vụ để bổ sung hồ sơ.
12. Cử tri Xương Văn Quang, thôn Nà Choong, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đề nghị: Có ý kiến với các bộ, ngành trung ương xem xét quan tâm đến những người trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam có Huân huy chương chiến sỹ giải phóng và có chế độ cho những đối tượng này.
Trả lời: Hiện nay chưa có văn bản quy định hướng dẫn giải quyết chế độ đối với những người trực tiếp tham gia giải phóng miền nam được tặng thưởng Huân, Huy chương chiến sỹ giải phóng. UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu kiến nghị với Bộ, ngành trung ương trong tháng 8/2018.